Thứ tư, 17/4/2024
Thứ sáu, 26/8/2022, 00:00 (GMT+7)

Ba tuần về nhà mới của học sinh trường Hy Vọng

Gần 200 em mồ côi sau dịch Covid-19 được thầy cô đưa về trường Hy Vọng đã ổn định chỗ ở và có những tiết học đầu tiên.

Trường Hy Vọng (Hope School) vừa đón thêm các học sinh ở 41 tỉnh, thành trên cả nước nhập trường vào đầu tháng 8. Trước đó, sau Tết Nguyên đán, trường đã đón đợt học sinh đầu tiên ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam và các em đã hoàn thành chương trình học kỳ 2.

Ngôi trường nằm trong khu đô thị FPT City Đà Nẵng ở phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, rộng 181 ha. Học sinh về trường được chia thành các tiểu đội tự quản theo nam, nữ. Khu nội trú cũng chia các em nam, nữ theo từng tầng để quản lý.

Khánh Linh đọc nội quy khi nhập trường Hy Vọng. Hàng ngày, các em thức dậy từ 5h để tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chuẩn bị đồ dùng. 6h30 ăn sáng. 7h-11h học chính khoá. 11h30 đến 12h ăn trưa, sau đó học chính khoá buổi chiều, tham gia các hoạt động chung và đi ngủ vào lúc 21h30.

Khi nhập trường, học sinh phải tập luyện cách gấp gọn chăn, màn như trong quân ngũ, ăn, học, ngủ đúng giờ.

Nhà trường đặt mục tiêu hoàn thiện kỹ năng sống cho từng cấp học. Trong đó, cấp tiểu học phải biết tự dọn dẹp vệ sinh tư trang và phòng ở cá nhân. Cấp THCS biết chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và biết tự giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Cấp THPT biết thích nghi với các điều kiện và khả năng sống của mình, biết rõ định hướng nghề nghiệp, đích đến trong tương lai.

Đôi bạn Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Tiến Nhật từng là bạn học chung khối lớp 6 ở Bình Dương. Covid-19 ập đến, cả hai cùng mồ côi mẹ. Nhật về quê ngoại ở Quảng Ngãi, còn Tùng về quê nội ở Thái Bình. Những ngày đầu tháng 8, đôi bạn tình cờ gặp nhau ở trường Hy Vọng. "Chúng em nhận ra nhau rồi những kỷ niệm cũ ùa về. Giờ chúng em sẽ động viên nhau học thật tốt", Tùng nói.

Hiện các em nhỏ trường Hy Vọng ôn luyện kiến thức với các bạn đồng lứa trong hệ thống giáo dục của FPT, chuẩn bị cho năm học mới.

Những nét chữ và bài học đầu tiên của học sinh trong ngôi trường mới. Thầy cô cho biết, các em đều hăng hái phát biểu, hiểu bài.

Bé Linh (6 tuổi), ôm chầm lấy thầy Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Trường Hy Vọng, khoe được điểm 10.

Sau giờ học chính khoá buổi chiều, học sinh có một giờ cho sinh hoạt chung và hoạt động thể thao tự do. Các em nam thường rủ nhau chạy bộ, đá bóng. Trong khi các em nữ chơi cầu lông, rút gỗ hay các trò chơi dân gian.

Nhà trường cũng tạo không gian trồng rau xanh quanh khu vực nhà nội trú để các em lao động, vừa có rau xanh cho bữa ăn, vừa có thể làm kế hoạch nhỏ bằng việc bán rau cho các cô chú ở FPT Software Đà Nẵng.

Trong ba tuần đầu về trường, một nhóm thiện nguyện của tiệm tóc Hưng Samurai đã đến cắt tóc miễn phí cho trẻ để các em chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Thầy Hoàng Quốc Quyền, cho biết do số lượng trẻ đông, không thể để các em ra ngoài đi cắt tóc hàng tháng, nên rất mong có sự chung tay của các đội, nhóm thiện nguyện.

Bữa ăn của học sinh trường Hy Vọng có thực đơn thay đổi thường xuyên. Khu vực nhà ăn cũng được chia thành khu nam và khu nữ. Mỗi học sinh ăn xong sẽ tự dọn dẹp phần khay, thìa, đũa của mình.

Nhiều em nhỏ cho biết khi nhập trường đã nhớ nhà, nhưng "chỉ hai ngày sau chúng con đã có thêm bạn mới, chia sẻ được với nhau để yên tâm học tập".

Lê Văn Quang, cậu bé 6 tuổi nhỏ nhất lớp, được các anh chị lớn hỗ trợ dọn dẹp sau khi dùng bữa.

Mỗi tối, học sinh được dùng điện thoại trong khoảng 30 đến 45 phút để gọi điện về cho người thân. Tuy nhiên nhiều em chưa có điện thoại thông minh, người nhà gọi điện trực tiếp cho các thầy cô và được kết nối để các em nói chuyện với gia đình trong giờ ngoại khóa.

Những ngày qua, các em gấp rút tập văn nghệ, lễ chào cờ, cắm trại để chuẩn bị cho Ngày hội đến trường diễn ra vào chiều 26/8.

Đại dịch Covid-19 năm ngoái đã khiến hàng nghìn trẻ em cả nước mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Tháng 9/2021, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT khởi xướng ý tưởng xây dựng ngôi trường mang tên Hy Vọng dành cho trẻ mất cha mẹ vì đại dịch, mong muốn tạo ra môi trường để các em được chăm sóc, học tập, trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước.

Học sinh trường Hy Vọng từ khối 1 đến 12, được tài trợ 100% chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt tại trường. Hàng năm, các em được về thăm nhà 3 lần (nhà trường cấp kinh phí đi lại 2 chiều). Người nhà được đến thăm trường 2 lần/năm. Hoạt động của trường nhận được sự chung tay của nhiều đơn vị, tổ chức.

Nguyễn Đông

Trẻ em yếu thế sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn khi nhận được sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng. Để đồng hành hỗ trợ trẻ em yếu thế, độc giả có thể ủng hộ tại đây.