Thứ năm, 28/3/2024
Thứ tư, 31/8/2022, 12:34 (GMT+7)

Những phạm nhân lần đầu biết viết tên mình

Thanh HóaLớp xóa mù chữ tại Trại giam số 5 mở hai ngày mỗi tuần; có phạm nhân bật khóc khi ở tuổi ngoài 50 lần đầu mới biết viết tên mình.

Trại giam số 5 của Bộ Công an đóng tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có ba phân trại dành cho phạm nhân nam và một phân trại cho phạm nhân nữ.

Phạm nhân không biết chữ hoặc từng biết nhưng đã quên sẽ được đăng ký vào lớp "xóa mù chữ".

Lớp tại phân trại số 3, dành cho phạm nhân nam, mở từ tháng 3, hiện có 20 "học sinh", người trẻ nhất 20 tuổi, lớn nhất 53 tuổi. Lớp mở hàng tuần vào thứ năm và thứ bảy, cả sáng và chiều, một buổi học kéo dài không quá 4 giờ.

Sách vở và thiết bị học tập cho phạm nhân được trích từ ngân sách trại giam.

Các môn học cơ bản được giảng dạy gồm: Toán, Tiếng Việt và Giáo dục công dân. Giáo viên của Trung tâm giáo dục huyện Yên Định hỗ trợ giảng dạy.

Kết thúc chương trình học trong sáu tháng, các phạm nhân được Phòng Giáo dục huyện Yên Định cấp chứng chỉ hoàn thành cấp tiểu học.

Phạm nhân Nguyễn Văn Vinh, 48 tuổi, sinh ra trong gia đình đông anh em ở xã miền núi ở huyện huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, không được đến trường.

"Học vẹt" từ những bạn hàng, Vinh đọc được bập bõm, mất vài phút mới viết được đầy đủ họ tên, địa chỉ nơi ở bằng những nét chữ nguệch ngoạc.

Năm 2005, Vinh lĩnh án chung thân về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Chín năm sau, sau nhiều lần cán bộ quản giáo thuyết phục, phạm nhân này mới đi học nhưng chỉ một thời gian ngắn lại "quên sạch". Giữa tháng 4, một lần nữa anh đăng ký lớp học cho người "tái mù chữ".

Sau bốn tháng, Vinh có thể viết thành thạo họ tên, địa chỉ và nhiều câu văn khác. Nếu được nhìn sách, Vinh có thể chép được hết một trang, điều mà 48 năm cuộc đời anh chưa từng làm được.

Vinh nói, mong ước lớn nhất là sau khóa học anh có thể viết được một bức thư hoàn chỉnh gửi về cho mẹ già 86 tuổi.

Phạm nhân Nguyễn Văn Định, 53 tuổi, thụ án 7 năm 6 tháng tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy, vào trại từ năm 2018. Ông Định cho biết từng học hết lớp 2 nhưng sau đó làm nghề tự do nên "quên hết mặt chữ".

Sáu tháng trước, phạm nhân này đăng ký lớp học, hiện đã biết đọc, viết cơ bản. Lần đầu tự đặt bút viết tên mình sau hơn 40 năm khiến ông xúc động, bật khóc.

Môn học được phần lớn "học sinh" trong lớp yêu thích là Toán. Nhiều phạm nhân tâm sự, trước khi vào trại, có nhiều năm buôn bán bên ngoài, nhìn tờ tiền biết mệnh giá, hoặc cũng có thể tính toán "tiền trăm tiền triệu" nhưng không biết viết ra sao. Mỗi lần vay nợ, liên quan giấy tờ, đều phải nhờ con cái hoặc người khác làm giúp.

Đây là năm học thứ ba, đại úy Lê Tuấn Lâm, cán bộ Đội giáo dục và hồ sơ, đứng lớp. Anh cho biết, "học sinh" ở nhiều độ tuổi và trình độ nhận thức khác nhau nên việc truyền đạt vất vả hơn lớp học bình thường.

Nhiều phạm nhân tham gia tới khóa thứ 5, thứ 6 vẫn “học trước quên sau”, xin bỏ cuộc. “Không biết chữ, đi ăn bát phở cũng không biết quán có những loại gì mà gọi”, anh kiên trì phân tích, thuyết phục và phạm nhân đã trở lại lớp.

Ngoài thời gian trên lớp, anh giao thêm một số bài tập đơn giản, khuyến khích phạm nhân tự dạy nhau học tại phòng và mượn thêm sách tại thư viện.

Điều 13 Nghị định 133/2020 quy định, các cơ sở giam giữ tổ chức dạy chương trình xóa mù chữ cho phạm nhân chưa biết chữ hoặc tái mù chữ.

Phạm nhân dưới 18 tuổi chưa biết chữ hoặc chưa học xong chương trình tiểu học thì thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc; chưa học xong trung học cơ sở thì căn cứ hồ sơ phạm nhân, học bạ để tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở phù hợp với điều kiện của đơn vị mình.

Phạm nhân đang học văn hóa mà hết thời hạn chấp hành án phạt tù, thì được bảo lưu kết quả học tập để có thể tiếp tục học tại cộng đồng.

Lớp học trong trại giam
 
 

Ngọc Thành - Thanh Lam - Phạm Dự

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về phapluat@vnexpress.net