Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ năm, 1/9/2022, 00:00 (GMT+7)

Thiết bị định vị cá nhân tích hợp GPS, eSim

vTag sử dụng GPS, Wifi và LBS để xác định vị trí, gửi thông tin qua kết nối mạng di động và có nút báo khẩn cấp.

vTag do Viettel phát triển là thiết bị định vị cá nhân nhỏ gọn, tích hợp pin nhưng tối giản trong giao diện sử dụng trực tiếp khi chỉ có một nút bấm.

Trước đó, hãng từng sản xuất điện thoại trẻ em có định vị hoặc bộ theo dõi xe nhưng cần kết nối nguồn bên ngoài. vTag hướng đến mục đích xác định vị trí đồ vật, vật nuôi, xe cũng như người cao tuổi. Phụ kiện đi kèm có cáp sạc, hai kiểu móc đeo khác nhau tùy mục đích sử dụng.

Sản phẩm có kiểu dáng tròn, đường kính 4,8 cm, dày 2 cm và nặng 29 gram. Phía trên có đèn báo tín hiệu và một nút vật lý ở cạnh bên. vTag sử dụng ba công nghệ để xác định vị trí là GPS, Wi-Fi và LBS tương tự nhiều thiết bị định vị cá nhân khác. Bên trong tích hợp cảm biến chuyển động, xác định chính xác thời gian bắt đầu di chuyển hoặc dừng lại.

Nhờ GPS, độ chính xác vị trí có thể sai lệch chỉ vài mét. Tuy nhiên, khả năng bắt sóng GPS của sản phẩm chỉ ở mức khá. Khi ở trong nhà, ở gần vị trí cửa sổ, GPS đôi lúc không hoạt động và thiết bị phải chuyển qua dùng LBS.

vTag sử dụng chuẩn sạc riêng thay vì cổng phổ thông như microUSB hay USB-C. Đây cũng là một trở ngại với người dùng khi tìm kiếm cáp sạc thay thế hoặc trong các tình huống cần sạc khẩn cấp. Tuy nhiên, thiết kế này giúp sản phẩm có chuẩn chống nước, bụi IP65.

Người dùng có thể nhấn lỳ nút chức năng bên cạnh trong hơn hai giây để kích hoạt tình huống khẩn cấp. Khi đó, hệ thống sẽ gửi tin nhắn đến các số điện thoại đã được đăng ký từ trước. Bấm hai lần nút này cũng cho phép thiết bị vào trạng thái chờ kết nối với ứng dụng trên điện thoại.

vTag lớn hơn đáng kể so với AirTag của Apple. Cùng là thiết bị định vị cá nhân nhưng hai sản phẩm có công nghệ kết nối, xác định vị trí hoàn toàn khác. vTag dùng kết nối truyền thống, có thể hoạt động độc lập mà không cần "nhờ cậy" bất kỳ thiết bị chủ nào. Trong khi đó, AirTag sử dụng công nghệ Ultra WideBand và Bluetooth cho độ chính xác cao hơn nhưng phải ở gần một thiết bị Apple như iPhone, iPad...

So với các thiết bị định vị cá nhân khác chỉ dùng mạng GSM để truyền dữ liệu, vTag nổi bật hơn khi sử dụng thêm chuẩn mạng NB-IoT (Narrowband Internet of Things - Internet vạn vật băng thông hẹp). Điều này giúp truyền tín hiệu ổn định, tiết kiệm pin hơn do được phát triển cho các thiết bị IoT.

Tuy nhiên, trong một số thử nghiệm, độ phủ sóng của NB-IoT chưa thực sự cao dù ở trung tâm Hà Nội.

Trên phần mềm vTag, người xem có thể định vị sản phẩm, xem thông tin thời lượng pin và các cài đặt an toàn. Mỗi thông báo về di chuyển, dừng lại đều được cập nhật trong lịch sử thiết bị hoặc thông báo tới điện thoại qua phần mềm.

vTag có thể vẽ lại sơ đồ di chuyển trong vòng 6 tháng gần nhất, tương tự tính năng Maps Timeline của Google. Người dùng có thể cài đặt vùng an toàn khác nhau và nhận thông báo khi thiết bị ra hoặc vào vùng này.

Để tiết kiệm pin, vTag chỉ bắt đầu cập nhật vị trí khi bắt đầu có chuyển động (nhận thông tin từ cảm biến gia tốc bên trong). Tuy nhiên, do chỉ có lựa chọn thấp nhất là 2 phút, vị trí cập nhật chưa đạt mức thời gian thực, gây khó cho người dùng trong một số trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, điều này cũng khiến dữ liệu đôi khi không "mượt" khiến lịch sử vị trí khi xem lại có nhiều cung đường không chính xác hoàn toàn.

Điểm mạnh của vTag là thời lượng pin khá tốt, khoảng 5-7 ngày theo nhà sản xuất. Trong thử nghiệm thực tế, khi gắn trên xe hơi hàng ngày đi làm, pin có thể lên tới hơn một tuần. Thiết bị càng ít di chuyển, thời lượng pin càng dài. Với các mục đích theo dõi xe, người dùng có thể kết nối trực tiếp với nguồn của ắc-quy.

vTag có giá 990.000 đồng, mức tốt cho một thiết bị định vị cá nhân trang bị đầy đủ GPS, eSIM. Tuy nhiên, giá để duy trì gói dữ liệu cho sản phẩm khoảng 25.000 đồng mỗi tháng, không thấp hơn đáng kể so với các gói cước data phổ thông dù vTag dùng lượng dữ liệu không nhiều.

Tuấn Hưng