Thế giới
Thứ tư, 24/8/2022, 11:54 (GMT+7)

6 tháng xung đột tàn phá Ukraine

Sau 6 tháng, chiến sự vẫn giằng co ở miền đông và miền nam Ukraine, tàn phá cơ sở hạ tầng và gây lo ngại về thảm họa hạt nhân.

6 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự với mục tiêu "phi hạt nhân hóa, phi phát xít hóa" Ukraine, xung đột chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi giao tranh vẫn diễn ra khốc liệt chủ yếu ở miền đông.

Sau khi kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk, Nga huy động nguồn lực tấn công tỉnh Donetsk để hoàn tất mục tiêu "giải phóng Donbass". Tuy nhiên, Ukraine với các khí tài hiện đại được phương Tây viện trợ cũng tăng cường tập kích, phản kích ngăn lực lượng Nga ở Donetsk, dẫn tới loạt cuộc giao tranh ác liệt nhưng không bên nào giành được lợi thế rõ ràng trên chiến trường.

Trong ảnh là tòa nhà bốc khói ngùn ngụt ở tỉnh Donetsk sau cuộc tấn công hôm 2/7.

Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCR), sau 6 tháng chiến sự ở Ukraine, ít nhất 5.517 dân thường đã thiệt mạng, gần 7.700 người bị thương. UNHCR lưu ý con số thực tế có thể cao hơn, do nhiều trường hợp thương vong chưa được thống kê đầy đủ.

Những ngôi nhà bị đạn pháo Nga phá hủy hoàn toàn ở làng Novoselivka, gần thành phố Chernihiv, miền bắc Ukraine. Lực lượng Nga tấn công và kiểm soát ngôi làng này trong giai đoạn đầu chiến sự, sau đó rút lui để tập trung cho giai đoạn hai ở Donbass.

Kiev từ cuối tháng 7 thông báo Moskva đổi chiến thuật, điều động lượng lớn binh lực tới ba tỉnh miền nam Ukraine, sau khi Kiev tuyên bố sẽ mở đợt phản công ở khu vực này, khiến chiến sự tại đây tăng nhiệt.

Giao tranh tại khu vực gần địa giới giữa tỉnh Kherson và Mykolaiv gần như diễn ra liên tục trong ba tháng qua.

Ukraine 6 tuần qua nhiều lần tập kích các cây cầu trọng yếu bắc qua sông Dnieper, nối thành phố chiến lược Kherson ở miền nam. Kiev cũng tăng cường dùng pháo phản lực HIMARS do Mỹ viện trợ để phá hủy các kho đạn, công trình giao thông và sở chỉ huy Nga, làm gián đoạn tuyến hậu cần của đối phương.

Giới chuyên gia phương Tây đánh giá chiến sự đã chuyển sang giai đoạn tiêu hao ở vùng miền đông Donbass và tỉnh Kherson, nơi hai bên đều đang trong tình thế giằng co và không đạt được lợi thế đáng kể.

Trong ảnh là các binh sĩ Ukraine được triển khai thực hiện nhiệm vụ đối phó với các cuộc tấn công từ phía Nga hôm 10/8.

Tại một số khu vực khác ở miền nam Ukraine, nơi Nga kiểm soát gần như hoàn toàn, chính quyền do Moskva bổ nhiệm đang thúc đẩy nỗ lực tiến hành trưng cầu dân ý để sáp nhập lãnh thổ vào Nga.

Trong ảnh, một người đàn ông Ukraine tới nhận hộ chiếu Nga tại Kherson hôm 21/7, sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh giúp người dân miền nam Ukraine dễ dàng được cấp quốc tịch Nga.

Ukraine được cho là đang tăng cường các đợt phản kích nhằm ngăn chặn kế hoạch sáp nhập nhiều khu vực ở miền nam vào lãnh thổ Nga. Kiev cũng cảnh báo đàm phán sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu Moskva xúc tiến kế hoạch sáp nhập.

Một trong những điểm nóng khác trong chiến sự Ukraine là khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Nga và Ukraine gần đây liên tục cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy.

Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia từ hồi tháng 3, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình.

Các cuộc giao tranh, pháo kích quanh khu vực nhà máy Zaporizhzhia làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986.

Ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies công bố hôm 19/8 cho thấy đám khói bốc lên từ khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Điểm nóng tiếp theo là bán đảo Crimea, vốn được coi là một pháo đài và bàn đạp tiếp tế của Nga trong giai đoạn đầu chiến sự.

Ukraine gần đây liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn về Crimea, sau khi các cơ sở quân sự Nga trên bán đảo hứng chịu hàng loạt vụ nổ. Lãnh đạo Crimea Sergei Aksyonov cho biết cơ quan an ninh Nga đã dẹp "nhóm khủng bố Hồi giáo" gồm 6 người bị cáo buộc thực hiện chỉ thị từ Ukraine để thực hiện các vụ tấn công trên bán đảo.

CNN trong khi đó dẫn báo cáo lưu hành nội bộ trong chính phủ Ukraine, thừa nhận Kiev đứng sau ba vụ nổ ở Crimea, trong đó có vụ nổ ở căn cứ không quân Saki.

Trong ảnh là đám khói bốc lên từ một kho đạn ở làng Mayskoye, Crimea, hôm 16/8. Bộ Quốc phòng Nga gọi loạt vụ nổ gần đây ở Crimea là "hành động phá hoại".

Tại thủ đô Kiev, nhịp sống của người dân Ukraine gần như đã trở lại bình thường. Trong ảnh là thành viên một ban nhạc đang biểu diễn trên đường phố Kiev hôm 20/8, trước thềm kỷ niệm Ngày Độc Lập 24/8.

Tuy nhiên, do lo ngại về các hành động tấn công có thể xảy ra vào dịp quốc khánh, giới chức Kiev đã ban bố lệnh cấm tụ tập đông người nơi công cộng từ 22/8 đến 25/8.

6 tháng sau chiến sự, các nước phương Tây tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, đặc biệt là cung cấp các vũ khí hiện đại, bất chấp cảnh báo từ Nga rằng điều này chỉ khiến xung đột kéo dài với mức độ khốc liệt hơn.

Mỹ đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2, đồng thời chuyển giao ít nhất 16 hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS cho Kiev.

HIMARS được coi là vũ khí "quý giá nhất" của Ukraine, giúp quân đội nước này tiến hành các đòn tập kích tầm xa có độ chính xác cao vào mục tiêu quan trọng sâu trong phòng tuyến của Nga.

Trong ảnh là hệ thống HIMARS khai hỏa tại Ukraine.

Các binh sĩ Ukraine đang vận hành một khẩu pháo CAESAR do Pháp chuyển giao.

Tuy nhiên, viện Kiel về Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Đức hôm 17/8 công bố báo cáo cho thấy Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan, 6 quốc gia hàng đầu châu Âu, không đưa ra cam kết viện trợ quân sự nào cho Ukraine trong tháng 7.

Điều này có thể cho thấy nguồn viện trợ quân sự từ châu Âu cho Kiev đang cạn dần. Nhiều chuyên gia lo ngại nguồn hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine sẽ suy giảm trong mùa đông, khi người dân các nước châu Âu đối mặt tình trạng thiếu khí đốt và khủng hoảng vật giá, khiến mối quan tâm tới cuộc chiến giảm sút.

Ảnh: AFP/Reuters/CNN