Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 9/9/2022, 00:00 (GMT+7)

'Sống treo' ở dự án 4 tỷ USD

Quảng NamBảy năm qua, gần 1.000 hộ dân có nhà thuộc dự án nghỉ dưỡng 4 tỷ USD ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, không được tái định cư, nhà xuống cấp không thể sửa chữa.

Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại huyện Duy Xuyên, Thăng Bình triển khai cuối năm 2010 với tích gần 1.000 ha. Tháng 4/2016, dự án bắt đầu xây dựng và dự kiến hoàn thành năm 2035. Riêng xã Duy Hải là trọng tâm của dự án với hơn 552 ha, đến nay thực hiện 250 ha. Xã này có gần 1.000 hộ dân thuộc diện giải tỏa để thực hiện dự án, nhưng 7 năm qua không được bố trí đất tái định cư.

Do bị quy hoạch treo nhiều năm, chính quyền không cho tự ý xây dựng mới nhà ở, công trình, kể cả mở rộng nên nhà cửa lụp xụp, xuống cấp.

5 căn nhà của bà Nguyễn Thị Thu, 65 tuổi, ở xã vùng biển bãi ngang Duy Hải, trong đó có 2 căn bị hư hỏng mái. Gia đình bà ở trên mảnh đất 1.600 m2, có 6 người con nên xây dựng thêm nhà để sinh hoạt, nay các con trưởng thành ra ở riêng chỉ có gia đình con trai 4 người và bà sinh sống. Năm 2011, chính quyền thông báo nhà bà nằm trong dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, 4 năm sáu thuộc diện giải tỏa, bố trí đất tái định cư để nhường đất.

Hai căn nhà cấp bốn được bà Thu xây dựng năm 1980, lợp ngói xuống cấp, nguy cơ sập đổ. Năm 2020, bà viết đơn xin chính quyền thay mới bằng tôn nhưng không có đủ tiền nên mới làm được một căn. "Sau khi nhà sập chính quyền huy động nhiều lực lượng xuống dọn dẹp, huyện Duy Xuyên hỗ trợ 20 triệu đồng khắc phục", bà cho biết.

Bà Thu kể, chiều 7/9, sau đợt mưa nhỏ, mái nhà sập. Ngôi nhà này là nơi sinh hoạt của hai người cháu nhưng thời điểm mái sập các cháu đi học nên may mắn không bị thương.

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Chừ xây dựng từ năm 1985 xuống cấp nhưng không được sửa chữa, xây mới. Lo sợ bị sập, bà nhiều lần viết đơn đề nghị chính quyền mong sớm giải tỏa, bố trí tái định cư nhưng chưa được chấp thuận.

"Nếu tôi muốn cải tạo, sửa chữa nhà ở phải viết đơn, chính quyền xã đồng ý thì mới được làm", người phụ nữ 65 tuổi nói và cho biết lo sợ bị sập đổ nên hai năm nay đã qua nhà con trai sinh sống.

Tường nhà bà Chừ xuất hiện đường nứt hơn 3 cm, ánh sáng bên ngoài lọt vào được.

Tương tự, căn nhà cột gỗ của anh Nguyễn Tiến, 37 tuổi, bị mối mọt ăn hư hỏng có nguy cơ sụp đổ.

Ngoài những ngôi nhà nói trên, hàng trăm nhà khác ở xã Duy Hải cũng bị hư hỏng, xà gồ, rui, mè ở mái bị mối ăn hết.

Một trụ nhà nứt toác, phía trên mái nhà sụt lún.

Mái nhà có nguy cơ sập đổ khi mùa mưa bão sắp đến nên bà Nguyễn Thị Tám, 66 tuổi, đã thuê thợ tháo dỡ sửa chữa. "Rất nhiều lần tôi viết đơn xin xã bố trí tái định cư, nhưng không được, trong khi xà gồ bằng gỗ bị mối ăn hư hỏng. Tôi vay tiền mua xà gồ bằng sắt về thay thế", bà nói và cho biết mong chính quyền sớm tái định cư để người dân đến nơi ở mới.

Đường ở thôn Tây Sơn Đông hư hỏng, mưa xuống nước ngập. Nhiều khu vực thấp trũng hạ tầng xuống cấp, những lúc mưa lớn bị ngập lụt cục bộ do nước thoát không kịp.

Khu tái định cư được xây dựng tại xã Duy Hải. Để triển khai dự án có gần 2.000 hộ dân bị giải tỏa, tái định cư, đến nay đã bố trí 979 lô tái định cư và đang còn gần 1.000 hộ ở thôn Tây Sơn Đông và Tây Sơn Tây chưa thực hiện.

Lý giải nguyên nhân chậm giải tỏa, tái định cư cho người dân, ông Trần Văn Siêm, Phó chủ tịch xã Duy Hải, cho biết do tác động của dịch bệnh Covid-19 và dự án đã nhiều lần thay đổi nhà đầu tư. Quá trình thực hiện nguồn vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng thường xuyên gián đoạn, quỹ đất tái định cư không đủ, việc xác nhận nguồn gốc đất ở còn bất cập.

Sống treo trên dự án bốn tỷ USD
 
 

Gần 1.000 hộ dân sống trong quy hoạch treo. Video: Đắc Thành

Đắc Thành