Tầng tử thần ở quán karaoke

Khoảng 20h40 lửa bùng cháy dữ dội.

21h, nhiều người trên tầng thượng được cứu.

Sau 12 tiếng cháy, khói vẫn nghi ngút.

“Một là nhảy, hai là chết”, Nguyễn Trọng Phúc tự nhủ khi ngoảnh mặt nhìn ngọn lửa đang phừng phừng đập qua lớp cửa kính nhà vệ sinh. Từ lỗ thông gió tầng ba, anh cố gắng xác định vị trí của mái tôn nhà bên cạnh… rồi nhảy xuống.

Phúc là một trong 30 người may mắn sống sót trong vụ cháy karaoke An Phú tại TP Thuận An, Bình Dương. Nhưng 32 nạn nhân khác đã không như vậy.


Sinh tử

18h ngày 6/9, Nguyễn Trọng Phúc, 18 tuổi bắt đầu ca làm ở karaoke An Phú. Như mọi ngày, anh đứng trước cửa thang máy tầng ba chờ đón khách. Bên ngoài, trời mưa rả rích. Hôm ấy lại là thứ ba - không phải ngày nghỉ, lễ, công việc của Phúc nhàn hơn thường lệ.

Phúc mới nhận việc ở quán karaoke này chưa đầy một tháng. Lương hơn 6 triệu đồng, anh trông chờ thêm vào khoản tiền tip. “Ba mẹ em ly dị. Bà ngoại nuôi em từ nhỏ đến lớn. Sau tai nạn gãy tay nằm nhà nhiều tháng, em xin đi làm lại để dành tiền trả ơn ngoại”, Phúc nói.

Karaoke An Phú vốn là một trong những tụ điểm vui chơi nổi tiếng của TP Thuận An. Nó nằm ở vị trí đắc địa trên đường Trần Quang Diệu, cách vòng xoay lớn gần 100 m. Quán có hình chữ L, rộng hơn 1.500 m2 với ba tầng chủ yếu bố trí các phòng hát; sân thượng rộng 500 m2 ngăn thêm phòng dành cho nhân viên nữ. Bên trong mỗi phòng karaoke, quán trang bị bàn ghế sofa kiểu hoàng gia hình chữ U; vách tường thiết kế ba lớp với mút xốp cách âm, ván ép, tấm nhựa trang trí phù điêu; trên trần gắn thêm đèn chùm, đèn nháy, những quả châu… tăng thêm phấn khích cho khách.

Quán được thiết kế như thế nào?

Click số tầng để xem chi tiết thiết kế

Theo quy định, mỗi ngày, nhân viên như Phúc sẽ tuần tự phân bổ khách vào 10 phòng hát từ tầng 3. Tiếp đến là 13 phòng ở tầng hai, cuối cùng mới đến 7 phòng tầng trệt (tầng 1).

Những vị khách đầu tiên của Phúc trong chiều hôm đó gồm bốn người vào quán lúc hơn 18h. Những nhóm tiếp theo - ít nhất 4 người, nhiều nhất là 7 - dần lấp đầy 50% lượng phòng ở tầng 3.

“Khi đến quán, khách hầu hết đã ngà say”, Phúc đánh giá, cho biết thêm, ngoài nhiệm vụ dẫn khách, anh còn bận rộn với việc nhận order đồ uống, món ăn và dọn phòng. “Phục vụ trong phòng chỉ có nhân viên nữ. Số lượng nữ ở mỗi phòng tương đương số khách”, Phúc nói.

Theo Phúc, tối đó, các phòng đều hát hò say sưa, có nơi “kêu đến thùng bia thứ hai”. Mọi việc diễn ra bình thường cho đến khi anh nghe tiếng hô hoán. “Có khói. Cháy trong phòng rồi” - hai vị khách lao ra khỏi phòng 303, chạy thẳng xuống dưới lầu khi tiếng hô chưa kịp dứt.

Phúc chỉ nghĩ là điện chập. Anh định chạy lại đổi phòng cho khách. Nhưng khói đã bắt đầu tràn ra khe cửa phòng. Phúc cùng một nam nhân viên khác chạy đến đẩy cửa kiểm tra thì “bị khói xộc vào mặt” dù chưa thấy lửa. Phía hai cầu thang bộ, khói đen cũng bốc lên nghi ngút.

Phúc lấy bộ đàm thét lớn: “Alo, bộ đàm có ai nghe không? Trên đây có cháy”, nhưng không được hồi đáp. Xung quanh chỉ có tiếng la hét và những âm thanh hỗn loạn.

Tại tầng một, Ngọc, nhân viên thu ngân thấy một nam thanh niên dáng cao gầy, áo vắt trên vai, lao xuống từ thang bộ, kêu lớn: “Cháy. Cháy. Khói quá rồi”.

Hốt hoảng, Ngọc ôm vội bình chữa cháy ngay dưới chân bàn dúi vào tay một phục vụ phòng. Cô tiếp tục chạy lại góc sảnh lấy thêm bình cứu hỏa mang lên nhưng chỉ đến được cầu thang tầng hai thì phải quay xuống. Khói đã bao phủ.

Một số người từ tầng trên kịp túa xuống, tháo chạy khỏi quán. Vài bảo vệ, người giữ xe cố gắng chạy ngược vào để lên các tầng trên ứng cứu nhưng vô vọng. Ngọc nghe tiếng quản lý thúc giục gọi 114.

Tầng hai lúc này đã chìm trong biển lửa, ngăn cách tầng trệt với tầng ba. Phúc cùng đồng nghiệp gõ cửa kính các phòng có khách, hô lớn để báo cháy nhưng nhiều người vẫn tiếp tục hát. “Mọi lần mất điện, nhân viên trong phòng thường nói khách ‘một lát sẽ có lại’. Có thể lần này họ cũng nói vậy nên khách không ra ngoài”, Phúc tự lý giải.

Điện ngắt sau đó. Hành lang tối đen, mù mịt khói. Phúc định chạy xuống cầu thang bộ chỉ cách anh chừng 10 m để thoát xuống nhưng anh bị ngợp thở.

Phúc lao vào toilet phòng SUP 1 (VIP) cạnh đó, đóng kín cửa để ngăn khói. Anh rửa mặt cho tỉnh, định chạy ra ngoài nhưng thấy lửa đỏ rực qua lớp cửa kính. Phúc liều mình đứng lên bồn cầu, chui qua cửa thông gió mở 45 độ, nhảy xuống. Từ độ cao chục mét, Phúc rơi xuống mái tôn nhà bên cạnh, gãy chân phải.

Anh Phúc bị gãy chân, nằm chờ phẫu thuật tại Bệnh viện An Phú, trưa 7/9. Ảnh: Đình Văn

Cùng lúc đó, trên phòng nghỉ nhân viên ở tầng thượng, tiếp viên Trương Kim Nhi cùng đồng nghiệp cũng nghe “lao xao tiếng hô hoán cháy từ bên dưới”. Cô gái 27 tuổi đã định thoát thân bằng thang bộ, nhưng khói lửa từ tầng ba đã bùng lên.

Trong không gian đen đặc, Nhi và nhiều người khác buộc phải chạy ngược ra sân thượng. Họ bảo nhau “nhảy hoặc chết”. Ba người quyết định trèo nhanh qua thanh lan can, nhảy xuống mái tôn nhà hàng xóm. Nhìn độ cao hai tầng lầu, Nhi sợ hãi, định quay lại nhưng sàn dưới chân cô đang nóng dần lên.

Cú nhảy khiến người mẹ đơn thân choáng váng. Cô cố gắng dùng sức lực còn lại cùng sự hỗ trợ của người dân leo xuống khỏi mái tôn. Nhi gãy hai xương mắt cá chân, nhưng giữ được tính mạng. Từ xa, cô nghe tiếng còi báo cháy hú vang. Nhìn lên những cơn sóng lửa bừng bừng từ cửa sổ tầng 3, Nhi tự hỏi không biết bao nhiêu bạn bè mình thoát được.


Diễn biến vụ việc

Điều tra ban đầu cho rằng, vụ cháy khởi phát từ la phông tầng 2 do chập điện, rồi cháy lan sang các tầng khác.

Lúc này, 5 trong 30 phòng hát đang hoạt động. Khoảng 30 khách và 30 nhân viên có mặt tại các tầng 1, 3, phòng nghỉ trên sân thượng.

Điện mất, khói bao trùm tầng 2 và 3 khiến nhiều người không thể tiếp cận thang bộ.

Điều tra ban đầu cho rằng, vụ cháy khởi phát từ la phông tầng 2 do chập điện, rồi cháy lan sang các tầng khác.

Lúc này, 5 trong 30 phòng hát đang hoạt động. Khoảng 30 khách và 30 nhân viên có mặt tại các tầng 1, 3, phòng nghỉ trên sân thượng.

Điện mất, khói bao trùm tầng 2 và 3 khiến nhiều người không thể tiếp cận thang bộ.

Giải cứu

Khoảng 20h40, nhiều xe chữa cháy của Công an TP Thuận An đến hiện trường. Toàn bộ lực lượng của Phòng cảnh sát PCCC Bình Dương cũng được huy động đem theo 8 xe chữa cháy, hai xe thang và một xe trạm bơm.

Lần đầu tiên trong suốt 10 năm làm cứu hỏa, thượng úy Lê Quang Tuấn, 34 tuổi mới chữa cháy quán karaoke. “Vừa nghe tin, tôi liên tưởng đến vụ cháy karaoke ở Hà Nội khiến 3 chiến sĩ tử nạn. Nó cũng có tầng như vậy. Anh em có chút sợ”, anh Tuấn kể lại. Trước đây, Bình Dương chủ yếu xảy ra cháy tại nhà xưởng, công ty, diện tích lớn nhưng thiệt mạng về người rất ít.

Tại hiện trường, ngọn lửa từ phần trên cùng của bảng hiệu quán đang cháy rực sáng cả khu dân cư. Mùi khói, khét nồng nặc, bao trùm. “Mặt tiền quán bị bịt kín bởi các tấm ốp trang trí, đèn led. Hai bên không có ban công. Bên trong quán rất sâu, lại nhỏ hẹp, nhiều phòng kín. Ngay khi tới, tôi đã xác định việc tiếp cận sẽ rất khó”, thượng úy Tuấn kể.

Chỉ huy chữa cháy, trung tá Bùi Trọng Hiếu, Phó Phòng cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương, chia lực lượng thành các tổ cứu hộ, cứu nạn, dập lửa, trinh sát thay nhau vào hiện trường. Ưu tiên trước nhất là giải cứu nạn nhân trên tầng thượng.

“Họ như bị bủa vây bởi khói trong một cái lồng sắt”, trung tá Hiếu tả lại khung cảnh “chưa từng thấy trong nghề”. Trong làn khói đen cuồn cuộn, nhiều cô gái trẻ thò đầu ra khỏi song sắt để thở. Họ hoảng loạn với tay về phía cứu hộ. Một số lấy quần áo ra vẫy, kêu gào thất thanh.

Trung tá Hiếu vào xe thang cùng thượng úy Tuấn tiếp cận nạn nhân. Khi giỏ thang tiến đến gần góc sân thượng, hơn chục cô gái còn mặc đồ ngủ, mặt mũi lem luốc khói bụi, khẩn thiết: “Anh ơi cứu em với, em thở không nổi nữa rồi”. Phía đối diện, thượng úy Tuấn nói lớn trấn an: “Mọi người bình tĩnh, ai ở ngoài thì ra trước, không được chen lấn. Ai cũng sẽ được cứu”.

Anh Tuấn phá nhiều thanh sắt, tạo khoảng hở để trèo vào bên trong. Trong khi trung tá Hiếu nắm chặt tay vào song sắt để nạn nhân đạp lên khuỷu tay trèo vào giỏ thang, đưa xuống. Mỗi lượt 3-4 người. Cứ như vậy, tổng cộng 12 người mắc kẹt trên sân thượng được cứu thoát. Nhiều người bị bỏng, ngất xỉu do ngạt khói được đưa vào bệnh viện An Phú cách đó 500 m.

Khi không còn nghe tiếng kêu cứu, lửa ở bảng hiệu của quán đã được dập tắt, trung tá Hiếu hy vọng mọi người bên trong đã kịp chạy ra ngoài. Lúc đó khoảng 21h. “Tôi ước mọi chuyện chỉ dừng lại ở đây”, anh nói.


Tầng tử thần

Nam nhân viên karaoke An Phú nói vọng vào đám đông lính cứu hoả: “Còn 5-6 người kẹt ở lầu hai nữa”. Lúc này, trung tá Hiếu nhận ra, chưa thể xác định chính xác số nạn nhân còn kẹt lại.

Kiểm tra tầng thượng, các trinh sát nhận thấy không thể đi từ trên xuống vì lửa quá lớn. Đội thay đổi phương án, tiếp cận từ dưới lên và từ hai bên hông quán. Mỗi đội ba người tiến vào trinh sát các tầng bên trong.

Là tổ đầu tiên vào hiện trường, thượng sĩ Nguyễn Hữu Tình, 26 tuổi, dẫn đội lên tầng ba. Tình cùng đồng đội đeo bình oxy, mặt nạ chống độc, bao tay đi theo hàng dọc. Người đi cuối kéo vòi rồng vừa dập lửa, vừa xịt nước ướt quần áo cả đội để giảm sức nóng.

Vừa bước qua các bậc thang tầng trệt lên hành lang tầng hai, Tình thấy nhiều đốm lửa nhen nhóm ở các bức tường phòng hát. Khói mù mịt. Cả đội khom lưng bò sát sàn để hạn chế hít khói độc, lần mò trong đêm tối. Lên đến tầng ba, không khí càng khó thở, lửa vẫn đang cháy đỏ. Nước từ vòi rồng chạm vào bức tường nóng sôi xèo xèo, táp ngược trở lại. “Chúng tôi như ở trong cái nồi hơi”, Tình tả lại.

Qua lớp kính bảo hộ, thượng sĩ Tình chỉ thấy bóng tối đen kịt đang nuốt chửng ánh sáng yếu ớt từ ba cây đèn pin cứu hộ. Âm thanh duy nhất là tiếng xịt nước xen lẫn bước chân lạo xạo của ba người lính. Nguồn nhiệt trong hành lang nén lại nóng rực như lò nung, nhưng Tình vẫn cảm thấy hơi lạnh chạy qua sống lưng.

Thấy lớp cửa kính ở phòng đầu tiên bên phải cầu thang, anh đẩy mạnh, bước vào. Tình chậm rãi quơ tay để cảm nhận phương hướng và vật cản phía trước, định hướng cho cả tổ. Khi tay chạm vào một vật mềm, Tình cúi xuống soi đèn kỹ, phát hiện người đàn ông cởi trần, mặc quần short jeans, nằm co quắp. Nạn nhân đã tử vong.

“Dù mang bao tay, tôi vẫn cảm nhận sức nóng rất lớn tỏa ra từ da thịt anh ấy”, Tình nói. Anh cố sức cùng đồng đội bồng thi thể, lần mò xuống lại tầng trệt. Đây là nạn nhân đầu tiên được phát hiện tại phòng 301.

Lúc này, 6 đơn vị chữa cháy của tỉnh Bình Dương với hơn 100 chiến sĩ đã chia thành hàng chục đội, thay phiên nhau tiến vào. Nhưng tầng ba vẫn nóng hầm hập khiến việc tìm kiếm nạn nhân gặp khó khăn. Mỗi lần trinh sát, lính cứu nạn chỉ có thể di chuyển bên trong 15 phút rồi phải chạy ra thay bình oxy.

Cảnh sát PCCC kể lại quá trình cứu hộ, cứu nạn. Video: Tuấn Việt - Nguyễn Điệp - Phước Tuấn

Trung tá Hiếu cho biết, do quán karaoke thiết kế khép kín nên khói, nguồn nhiệt không thể thoát, tụ ở tầng ba. Nỗ lực xịt nước dập lửa, tiếp cận nạn nhân từ mái nhà, từ lỗ đập tường bên cạnh cũng không khả thi do mút xốp cách âm, trần la phông, ván gỗ, sofa cháy âm ỉ.

Hơn 12 giờ kể từ khi vụ cháy bắt đầu, khói vẫn bốc lên nghi ngút từ sân thượng và các lỗ thủng trên tường. Lính cứu hỏa trắng đêm chữa cháy. Từng xe cứu thương vẫn nối đuôi nhau ra vào hiện trường - số người chết tăng lên từng giờ.

Đầu giờ chiều 7/9, các phòng hát cơ bản được trinh sát xong. Lệnh từ chỉ huy yêu cầu kiểm tra đến phòng vệ sinh khóa trái cửa ngay sát phòng 301. Tổ trinh sát của thượng úy Tuấn được phân công phá cửa. “Chỉ mong sao đừng tìm thấy ai”, anh thầm cầu nguyện.

Cánh cửa nhà vệ sinh có một lực cản rất mạnh, không thể đẩy vào. Ba chiến sĩ hợp sức mới có thể đẩy nó nhích từng chút một. Cửa vừa hé, ngay lập tức, mùi mỡ cháy quyện vào mùi khói khét xộc thẳng ra ngoài. “Mùi đó rất khó tả. Nó ám ảnh tôi đến tận bây giờ”, thượng úy Tuấn chùng giọng.

Khi cánh cửa mở được một nửa, cả đội bàng hoàng nhận ra “thứ gì đó rất nặng" chính là thi thể của 8 nạn nhân nằm chồng lên nhau trong không gian 20 m2 của nhà vệ sinh. “Đau xót. Hình ảnh đó có lẽ sẽ theo tôi cả đời", anh Tuấn nói. Đây cũng là phòng có nhiều nạn nhân nhất.

23 giờ tìm kiếm kết thúc sau khi nạn nhân cuối cùng được tìm thấy tại phòng 305, nâng tổng số nạn nhân của vụ cháy lên 32 người. Đây cũng là vụ hỏa hoạn thảm khốc nhất tại Việt Nam trong 20 năm qua, kể từ sau vụ cháy tòa nhà ITC khiến 60 người chết tại TP HCM.

22 năm làm phòng cháy chữa cháy, trung tá Hiếu chưa bao giờ chứng kiến một vụ cháy nhỏ nhưng lại gây thiệt hại lớn đến thế. “Chỉ 400 m2 cháy đã cướp đi sinh mạng của 32 người, bỏ lại biết bao cuộc đời dang dở”, anh Hiếu thở dài. “Đó thật sự là tầng karaoke tử thần".

Vị trí các thi thể được tìm thấy.

Đình Văn - Thu Hằng - Lê Tuyết - Khánh Hoàng - Thanh Hạ