Thứ năm, 28/3/2024
Thứ sáu, 16/9/2022, 06:02 (GMT+7)

Bên trong khu mộ cổ hơn 2.000 năm tại TP HCM

Hơn 200 ngôi mộ với nhiều di cốt, đồ tùy táng tại Giồng Cá Vồ, huyện Cần Giờ đang được bảo tồn trước khi đón khách tham quan.

Di tích Giồng Cá Vồ (ấp Hoà Hiệp, xã Long Hòa) cách trung tâm TP HCM khoảng 60 km được phát hiện hơn 30 năm trước. Từ đầu năm 2021, sau lần khai quật đầu tiên (1994), di tích này mới được khai quật trở lại. Các nhà khảo cổ phát hiện 224 mộ chum, 15 mộ đất và các di vật được tùy táng.

Giồng Cá Vồ thuộc dạng di tích tiền - sơ sử, thể hiện sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đầu tiên, di tích này mang các yếu tố bản địa của văn hóa Đồng Nai, sau đó chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài ra, di tích này còn có những nét văn hóa của cư dân hải đảo thuộc truyền thống Sa Huỳnh - Kalanay, và phảng phất yếu tố văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán.

Ngày 15/9, tại khu hố đào khai quật lần hai, các nhân viên phụ trách tiếp tục công tác bảo tồn, xử lý di vật, di cốt. "Chỉ trong diện tích 200 m2, chúng tôi tìm thấy hàng trăm mộ có niên đại khoảng 2.000 năm và có thể quanh đây với hàng nghìn m2 tại di tích này vẫn còn nhiều quần thể mộ khác", anh Nguyễn Văn Mạnh (góc trái), phụ trách khai quật cho biết.

Tại một góc hố khai quật, hàng chục mộ chum được đặt san sát nhau với đủ kích thước, nhiều cái không còn nguyên vẹn hình dáng ban đầu sau hàng nghìn năm nằm dưới lòng đất.

Theo đơn vị chủ trì khai quật, mộ chum là loại hình mai táng mà người chết được đặt thi thể hoặc di cốt vào trong chum (lu) bằng gốm đất nung, đường kính trung bình 40-70 cm.

Một mộ chum còn khá nguyên vẹn, bên trong gồm di cốt và đồ tùy táng.

Viện Khảo cổ học cho biết, mộ chum là đặc trưng lớn nhất, mang tính định hình của văn hóa Sa Huỳnh, phát triển cực thịnh vào khoảng 2.500-2.000 năm cách ngày nay, phân bố chủ yếu ở miền Trung Việt Nam.

Một mộ chum khác không còn nguyên vẹn, chưa được làm sạch lớp đất nhưng vẫn nhìn thấy đồ tùy táng là mảnh vỏ sò. Theo anh Mạnh, trong quá trình khai quật còn phát hiện một vài mộ có kích thước khá nhỏ để chôn cất trẻ nhỏ.

Việc sử dụng các chum gốm cho thấy sự thay đổi về hình thức mai táng. Trước đó, người chết được chôn trong huyệt đất ngay tại nơi cư trú, không có quan tài. Đến giai đoạn này, quan niệm về thế giới người chết có vẻ linh thiêng hơn nên người xưa đã dùng các chum gốm làm quan tài, chôn theo nhiều đồ tùy táng, sau đó đặt chung ở một khu vực, giống như nghĩa trang ngày nay.

Hiện nhóm nhân công phụ trách khai quật có 5-7 người, thời điểm đông nhất hơn 30 người. Những ngày này, họ chủ yếu làm công tác bảo tồn, cẩn thận lau chùi, bóc tách lớp đất của từng di vật, di cốt trong mộ.

"Mỗi mộ lại có đồ tùy táng khác nhau về số lượng, loại hình nhưng chủ yếu là hũ gốm, khuyên tai, vòng tay, đá quý, chuỗi hạt... Các di vật hơn 2.000 năm có giá trị rất cao nên mọi người phải làm thật tỉ mỉ, kỹ lưỡng", anh Mạnh cho biết.

Một bộ di cốt của mộ đất còn khá nguyên vẹn nằm bên cạnh các mộ chum.

Hai mộ chum được các nhà khảo cổ dùng keo để dán các mảnh vỡ để trả lại hình dáng ban đầu sau khi xử lý bên trong. Việc này mất khoảng nửa tháng để xong một mộ, chum vỡ càng nhiều thì phục hồi sẽ lâu hơn.

"Trong hơn 200 mộ chum vừa được khai quật, có thể sẽ phục hồi khoảng 70 cái, còn một số để nguyên hiện trạng lúc mới khai quật. Việc này sẽ tiện cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và đón khách tham quan", người phụ trách cho biết.

Bên ngoài hố, một vài di vật trong các mộ táng đang được bảo quản tạm thời. Phía sau là lán trại sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhóm nhân công khai quật.

Các di vật được tùy táng như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, lá vàng, vòng tay đá quý, các hạt chuỗi đá thủy tinh, hiện vật gốm hình tù và, bình, bát gốm, di cốt....

Khuyên tai hai đầu thú làm bằng đá, có màu xanh với kiểu dáng tinh xảo. Bên cạnh là các đồ vàng, chuỗi đảo bằng sắt và đồ trang sức khác.

Những chiếc hũ, nồi, chân bát bằng gốm với hoa văn tinh xảo.

Hầu hết di tích đang được giữ tại chỗ, với mục tiêu xây dựng một "bảo tàng ngoài trời". Cách làm này được cho vừa giữ nguyên vẹn di tích, thấy rõ toàn bộ sự phát triển qua từng giai đoạn, vừa giúp quá trình khai quật các di tích còn lại dễ dàng hơn. Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM sẽ thực hiện dự án khu nhà trưng bày và tham quan di tích này.

Di tích Giồng Cá Vồ và hố khai quật lần hai được lợp tôn để bảo tồn, phải đi thuyền qua sông để vào. Đây là một giồng đất đỏ, cao hơn bề mặt xung quanh khoảng 1,5 m, nằm ở bên trái sông Hà Thanh và được bao quanh bởi rừng ngập mặn.

Di tích được phát hiện lần đầu năm 1993 bởi người dân địa phương trong lúc canh tác. Trong lần khai quật năm 1994 trên diện tích 230 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm mộ chum cùng đồ tùy táng. Sáu năm sau, di tích này được lập hồ sơ khoanh vùng 29.000 m2 để bảo vệ.

Di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ được Bộ Văn hóa công nhận năm 2000, thuộc nhóm di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cần được bảo vệ.

Quỳnh Trần