Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 17/9/2022, 02:00 (GMT+7)

'Thần đèn' di dời chánh điện chùa Diệu Đế

Thừa Thiên - HuếHơn 3 tháng nay, "thần đèn" Nguyễn Văn Cư, 69 tuổi, cùng cộng sự di dời chánh điện chùa Diệu Đế cách chỗ cũ 18 m.

Chùa Diệu Đế nằm trên đường Bạch Đằng, phường Gia Hội, TP Huế, có khuôn viên rộng hơn 10.000 m2. Ngôi chùa xưa kia là phủ, cũng là nơi sinh của vua Thiệu Trị. Năm 1844, nhà vua tôn tạo và sắc phong chùa làm Quốc tự, các sư trụ trì được triều Nguyễn bổ nhiệm.

Với kiến trúc cổ kính, chùa Diệu Đế là một trong những di tích nổi tiếng của xứ Huế. Lễ tắm Phật, rước Phật của Phật giáo Huế được tổ chức tại chùa mỗi mùa Phật đản.

Điều đặc biệt của chùa là tòa chánh điện Đại Hùng bảo điện, rộng khoảng 350 m2, có bức tranh Long vân khế hội (còn gọi là Cửu long ẩn vân). Đó là hình vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần điện cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ nội điện. Bức tranh được vẽ khi ngôi chùa được xây lại sau năm 1953, theo phong cách bích họa cung đình, tương tự bức tranh trên trần lăng vua Khải Định.

Vào năm 2018, trước sự xuống cấp của Đại Hùng bảo điện và các công trình xung quanh, Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng chánh điện mới với tổng kinh phí 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, để bảo vệ bức tranh Long vân khế hội, nhà chùa quyết định giữ nguyên công trình tại vị trí cũ và xây dựng chánh điện mới dịch lên phía trước. Đầu năm nay, nhà chùa mời "thần đèn" Nguyễn Văn Cư về dịch chuyển chánh điện cũ về phía sau, cách địa điểm hiện nay 18 m.

Ba tháng trước, để di dời chánh điện có bề ngang 25 m và chiều sâu 14 m, ông Cư và cộng sự đã đào sâu xung quanh móng 80 cm. "Tòa nhà xây dựng cách đây 70 năm, cấu kiện rất ít sắt nên phải gia cố phần móng", ông Cư nói và cho biết trong quá trình dịch chuyển, đơn vị cũng phải tổ chức gia cố các điểm nứt bằng ximăng, cột sắt.

Giữa chánh điện là ba ban thờ Phật, nổi bật trên trần nhà là bức tranh Long vân khế hội.

Thượng tọa Thích Hải Đức, trụ trì chùa Diệu Đế, cho biết việc dịch chuyển tòa chính điện nhằm giữ gìn lại những dấu tích mang tính lịch sử, đồng thời tạo cảnh quan thông thoáng, phù hợp với sinh hoạt nhà chùa trước những lễ hội tôn giáo lớn.

Do công trình xuống cấp, nhiều hạng mục có nguy cơ đổ sập nên sau mỗi lần dịch chuyển đều phải gia cố. Hàng chục trụ sắt được công nhân lắp đặt tại các điểm thiết yếu để đảm bảo an toàn khi dịch chuyển.

Ông Hùng, 52 tuổi, dùng búa gõ nhẹ các lớp tường bị nứt toác để chuẩn bị cho việc gia cố. Những bức tường có dấu hiệu nứt được ông và các cộng sự dùng xi măng trát lại.

Công nhân lắp máy nâng phía chân móng để đưa các thanh lăn, hệ đa kiềng bằng gỗ vào để đỡ tòa nhà.

Hệ thống dây cáp được lắp vào máy ben thủy lực chuẩn bị cho việc di chuyển công trình. Dây cáp để kéo công trình to bằng ngón chân cái người lớn.

Hệ thống dây cáp được buộc chặt vào chân móng và đấu nối trực tiếp vào hệ thống máy ben thủy lực.

Khi máy ben thủy lực kéo, công nhân sẽ cầm thanh lăn dài 30 cm chêm vào chân móng. Nhờ những thanh lăn này mà việc dịch chuyển ngôi chánh điện được dễ dàng hơn.

Để có thể dịch chuyển công trình, công nhân đã dùng 4 ben thủy lực, 2 máy vận hành để rút kéo. Theo kế hoạch, Đại Hùng bảo điện sẽ được di chuyển lùi phía sau 18 m, sau đó nâng cao lên 5 cm.

Đến ngày 15/9, công trình đã được dịch chuyển cách xa điểm cũ khoảng 6 m.

Ông Nguyễn Văn Cư (bên phải) trao đổi với một kiến trúc sư ở Huế. Ông Cư cho biết với tiến độ như hiện nay, khoảng một tuần nữa việc dịch chuyển chánh điện sẽ hoàn thành.

Võ Thạnh