Thứ năm, 28/3/2024
Thứ bảy, 17/9/2022, 21:41 (GMT+7)

Bên trong tư dinh Tổng lãnh sự Pháp 150 tuổi ở TP HCM

Tư dinh Tổng lãnh sự Pháp ngày 17/9 mở cửa đón hơn 1.000 khách tham quan nhân dịp tròn 150 năm tuổi.

Dinh Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM ngày 17/9 mở cửa đón công chúng đến tham quan chuỗi sự kiện Những ngày Di sản châu Âu. Khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng những nét kiến trúc Đông Dương từ thế kỷ 19 và tìm hiểu lịch sử của nhiều chi tiết thiết kế, cổ vật được trưng bày trong tòa dinh thự có tuổi đời vừa tròn 150 năm.

Tòa nhà được các kỹ sư hải quân Pháp xây dựng vào năm 1872, cùng thời với các công trình tiêu biểu khác của thành phố như Dinh Norodom (1868 - 1873, nay là Dinh Độc Lập), Đại chủng viện Thánh Giu-se (1863) hoặc Nhà thờ Đức Bà (1877 - 1880). Dinh ban đầu là nơi ở của Thống đốc quân đội thuộc địa, sau đó là Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Nam Kỳ và sau năm 1954 là Dinh Đại sứ Pháp ở miền nam. Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, tòa nhà trở thành tư dinh của các Tổng lãnh sự Pháp.

Tổng lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Goser (trái) chia sẻ bà rất vui mừng khi sự kiện hôm nay được đón nhận tích cực bởi công chúng TP HCM.

"Việc gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ tương lai các công trình lịch sử mang ý nghĩa rất quan trọng. Nước Pháp nhận thức rất rõ về điều này và đặc biệt quan tâm đến các thế hệ trẻ. Hôm nay tôi rất vui mừng khi rất nhiều bạn trẻ đến tham quan. Đây là tín hiệu thật sự đáng mừng", bà nói.

Tổng lãnh sự Pavillon-Goser chia sẻ tòa dinh thự 150 tuổi là minh chứng cho thấy nỗ lực trùng tu và gìn giữ các công trình cổ. Pháp thường xuyên gửi các đoàn chuyên gia đến rà soát những điểm có dấu hiệu xuống cấp và đánh giá nhu cầu trùng tu.

Những ngày Di sản quốc gia là một sáng kiến của Pháp, diễn ra lần đầu tiên vào năm 1984. Công chúng sẽ được thăm các công trình vốn thường ngày không mở cửa đón khách tham quan.

Từ năm 1985, Hội đồng châu Âu đã quyết định mở rộng sự kiện này ra toàn Liên minh châu Âu. Đến năm 2000, nó được đổi tên thành Những ngày di sản châu Âu. Năm nay là lần thứ 39 sự kiện được tổ chức.

Trung tâm dinh thự là phòng khánh tiết, chuyên tổ chức các sự kiện của Tổng lãnh sự. Nội thất trong phòng là những món đồ mang nét văn hóa của cả phương Đông và phương Tây.

Đại diện Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP HCM cho biết sự kiện hôm nay đã thu hút hơn 4.000 lượt đăng ký, nhưng để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho các khách tham quan cũng như an ninh tòa nhà nên chỉ có thể tiếp nhận hơn 1.000 người. Đây là lần đầu tiên dinh thự cổ mở cửa cho toàn thể công chúng tham quan, khác với những lần trước thường tiếp đón đoàn từ các trường đại học.

Tấm bình phong bằng gỗ sơn mài, gồm 8 mảng riêng biệt, được trưng bày trên tường phòng khánh tiết. Nguồn gốc và niên đại của tác phẩm chưa được xác định.

Bên trong phòng khách tiết còn sắp xếp nhiều đồ nội thất theo phong cách triều Nguyễn với nhiều nguồn gốc khác nhau. Phần lớn hiện vật được chuyển đến từ Dinh Norodom, nay là Dinh Độc Lập. Một số được chuyển đến từ lãnh sự quán cũ của Pháp tại Đà Nẵng.

Hiện vật cổ nhất trong phòng khánh tiết là bức tượng thuộc nền văn hoá Chăm, có tuổi đời ước chừng khoảng 1.000 năm.

Tổng lãnh sự Emmanuelle Pavillon-Goser chia sẻ chính phủ Pháp rất quan tâm đến hợp tác bảo tồn văn hóa tại Việt Nam. Pháp đang hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực điều hành bảo tàng, trong đó bao gồm các đợt hỗ trợ chuyên gia tư vấn đồng nghiệp Việt Nam về đón tiếp công chúng, cũng như cách thức trình bày các bộ sưu tập quý giá.

"Nước Pháp rất coi trọng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này. Pháp cũng mong muốn hợp tác trong gìn giữ văn hóa sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ các di sản vật chất và phát triển hơn nữa đối với những di sản phi vật thể", bà chia sẻ.

Phòng ăn lớn của dinh thự, nơi tổng lãnh sự đón tiếp quan khách trong các buổi chiêu đãi. Bên cạnh các cửa sổ có treo hai tấm hoành phi khắc chữ Hán, bên trái là "Phúc như Đông Hải" còn bên phải là "Thọ tỉ Nam Sơn".

Các bức tượng Phật ngồi, được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, trong phòng ăn lớn của dinh thự. Tác phẩm được cho là có xuất xứ từ Thái Lan.

Dọc hành lang được đặt những chiếc ghế sơn mài khảm cẩm thạch, các món đồ gốm có thể đã được chế tác tại Việt Nam trong thế kỷ 19 và 20.

Một góc hành lang là ba tủ chứa các vật dụng nhà bếp, bộ đồ ăn, ly dĩa... do người Pháp mang sang.

Các món đồ được làm bằng bạc, có chữ viết tắt thể hiện các thời kỳ mà chúng được chế tác. N thể hiện cho thời kỳ Napoléon đệ tam, GG là Toàn quyền, HC là Tổng ủy, RF là Cộng hòa Pháp...

Một trong những kiệt tác quan trọng nhất trong dinh thự là bức tranh sơn mài khổ lớn "Đám rước trong làng" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993). Tác phẩm được vẽ vào năm 1939, gồm 9 tấm ghép lại, có nét ảnh hưởng từ nghệ thuật Nhật Bản.

Bức tranh được phục chế vào năm 2013 bằng kinh phí vận động từ nhiều thành viên trong cộng đồng người Pháp. Một số tranh trong sự nghiệp của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được công nhận là "bảo vật quốc gia", không được phép mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Khắc Nguyện, 22 tuổi, đến tham quan dinh thự cùng một nhóm bạn trẻ gần 10 người. Bạn chia sẻ đây là cơ hội hiếm hoi để tiếp cận và tìm hiểu về tòa dinh thự do bình thường nơi này không mở cửa cho công chúng.

"Nhóm làm những dự án bảo tồn và lan tỏa kiến thức về văn hóa, các giá trị xưa đến người trẻ. Tôi thấy nhiều dự án lúc này đa phần vẫn còn hàn lâm và khô khan, không phù hợp với Gen Z. Đây là cơ hội tốt để tìm hiểu, trải nghiệm tận mắt, bản thân thêm khích lệ để tiếp tục thực hiện những mong ước đang ấp ủ", Khắc Nguyện nói.

Một trong hai bức tượng Phật cổ, làm bằng đá, được đặt đối xứng ở khu vườn dinh thự. Đây là một trong các tác phẩm nghệ thuật vẫn trong diện ẩn số trong tòa nhà do không rõ nguồn gốc xuất xứ và niên đại.

Hai bức tượng được tặng vào năm 1960, bởi bà Messmer, một người Pháp sống tại Việt Nam vào thời điểm đó. Bà từng là chủ phòng trà "La Pagode", nằm trên đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi. Phòng trà được sang nhượng vào năm 1960 và nay đã không còn. Tòa nhà hiện nay trở thành trụ sở của một công ty du lịch.

Hai bức tượng được sắp xếp ở vị trí đón ánh nắng mỗi sáng. Nhân viên người Việt trong dinh thường xuyên dâng đồ cúng vào các dịp lễ quan trọng.

Vân Anh, sinh viên năm 4 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, chia sẻ cô rất thích nét cổ kính của dinh thự. "Ở đây có nhiều nét giao thoa văn hóa Á - Âu, cũng như các chi tiết đặc trưng ở khu vực Đông Dương", Vân Anh nói.

Quỳnh Trần - Thanh Danh