Ra mắt từ tháng 5 năm nay, Veyo Yogurt của Vinasoy là sản phẩm đánh dấu cột mốc lần đầu tiên ông lớn sữa đậu nành sản xuất sữa chua, đồng thời đậu nành không chiếm đa số thành phần nguyên liệu.

"Độ ngọt vừa phải, vị chua thanh và khá thơm, khá lạ so với sữa chua uống làm từ sữa động vật. Sau khi uống thử một hộp, tôi đã quyết định mua cả thùng về dùng dần", chị Thu Huyền, ngụ tại quận 7, TP HCM chia sẻ những trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm mới của Vinasoy.

Điểm nổi bật của sản phẩm mới này là được lên men từ sữa 5 loại hạt: macca, hạnh nhân, dẻ cười, óc chó, và đậu nành; kết hợp cùng ba hương vị trái cây có xuất xứ Nhật Bản gồm dâu Nhật, đào Nhật và cam Yuzu. Đại diện Vinasoy khẳng định, tất cả nguyên liệu làm nên Veyo Yogurt đều được chọn lọc khắt khe, tuân thủ theo nguyên tắc không sử dụng cây trồng biến đổi gen (Non-Genetically Modified Organisms).

Sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất trên hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu đóng gói thành phẩm cuối cùng. Theo quy trình sản xuất, dịch sữa hạt thực vật thanh trùng được lên men tự nhiên ở nhiệt độ thích hợp và tạo ra dịch sữa chua nền. Sau đó, hỗn hợp được đưa vào bồn trữ lạnh trước khi chuyển vào hệ thống đồng hóa và xử lý bằng công hệ UHT ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn. Chính điều này đã giúp Veyo Yogurt giữ trọn được những dưỡng chất từ các loại hạt, đồng thời duy trì hương vị thơm ngon trong vòng 8 tháng mà không cần sử dụng chất bảo quản. Toàn bộ sản phẩm được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn FSSC 22000, HACCP Codex.

Sữa chua uống thực vật Veyo được lên ý tưởng, nghiên cứu và ra đời trong thời gian Covid-19, giai đoạn mà người tiêu dùng đặc biệt quan tâm tìm hiểu về tầm quan trọng của dinh dưỡng lành mạnh đối với sức khỏe bản thân và gia đình. Tất cả các hoạt động nghiên cứu thị trường, khảo sát nhu cầu người tiêu dùng để đi đến 3 hương vị hiện nay của sản phẩm đều được triển khai trực tuyến.

"Sự ra đời của Veyo Yogurt đặt nền móng cho tương lai sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm từ thực vật nữa theo định hướng tầm nhìn trở thành chuyên gia dinh dưỡng thực vật của Vinasoy", đại diện lãnh đạo Vinasoy chia sẻ.

Dinh dưỡng thực vật đang trở thành một xu hướng và ngày càng phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam nhờ những lợi ích về sức khỏe (giúp cân bằng đạm tự nhiên trong dinh dưỡng, giảm cholesterol trong máu, giúp kiểm soát cân nặng, tăng đề kháng, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ...); tác động về môi trường (chống biến đổi khí hậu, tiết kiệm quỹ đất so với chăn nuôi, bảo tồn nguồn nước, cải tạo nguồn nước sạch, bảo tồn đại dương), từ đó tác động tâm lý người tiêu dùng.

Chế độ ăn dinh dưỡng thực vật có nhiều cấp độ khác nhau, từ thuần chay (chỉ thực vật, không bao gồm bất cứ sản phẩm nào từ động vật và hải sản) đến chế độ ăn chay có sữa, có trứng, có hải sản hay bán chay (ăn tất cả các loại thức ăn nhưng hạn chế thực phẩm từ động vật) và chế độ ăn gồm khoảng 2/3 dinh dưỡng từ thực vật và 1/3 từ động vật – hải sản.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Công ty nghiên cứu thị trường bán lẻ Ipsos, từ năm 2004 đến năm 2019, số người ăn chay ở Mỹ đã tăng 30 lần - từ 290.000 người năm 2004 lên gần 10 triệu người vào năm 2019. Tại Anh, số người ăn chay trường trong năm 2016 đã tăng 360% so với chỉ một thập kỷ trước, theo nghiên cứu do Hiệp hội Thuần chay hợp tác với tạp chí Vegan Life.

Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định thực phẩm xanh lành, tốt cho sức khỏe sẽ trở thành xu hướng và lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng giai đoạn hậu Covid-19. Cụ thể, theo một nghiên cứu khoa học gần đây được công bố trên tạp chí BMJ Nutrition – Prevention & Health, những người theo chế độ dinh dưỡng thực vật có khả năng nhiễm các triệu chứng Covid-19 từ trung bình đến nặng thấp hơn những người không theo chế độ dinh dưỡng này từ 59 - 73%. Các nhà khoa học lý giải: điều này có được do chế độ dinh dưỡng thực vật giàu chất xơ, vitamin A, C, E và các loại chất thải độc tố giúp tăng cường miễn dịch.

Với sự gia tăng của tiêu thụ dinh dưỡng thực vật, sữa có nguồn gốc thực vật hiện chiếm hơn 15% tổng doanh số bán sữa toàn cầu, doanh số từ sữa thực vật năm 2021 đạt 21,44 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 31,28 tỷ USD vào năm 2025, theo Food Revolution Network (FRN). Cũng theo tổ chức này, thị trường thịt và sữa từ thực vật toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ 29 tỷ USD năm 2020 lên 162 tỷ USD năm 2030.

Sự gia tăng của việc tiêu thụ dinh dưỡng thực vật cũng biểu hiện rõ rệt ngay cả khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ giao đồ ăn. Trong báo cáo thường niên "State of the Plate" năm 2021 của Grubhub - nền tảng đặt hàng và giao thực phẩm chế biến sẵn trực tuyến tại Mỹ, đơn đặt hàng giao thực phẩm chay tổng thể tăng 17 % so với năm 2020. Nhà bán lẻ thực phẩm trực tuyến ShelfNow (Mỹ) cũng báo cáo doanh số bán thực phẩm chay tăng hơn 150% từ năm 2020 đến năm 2021.

Theo các nhà dinh dưỡng cũng như chính những người tiêu dùng đang thực hiện chế độ ăn dinh dưỡng thực vật, một chế độ ăn dinh dưỡng tối ưu cho lối sống khỏe – lành mạnh và cân bằng sẽ không nhằm thay đổi toàn bộ bữa ăn hàng ngày từ động vật sang thực vật. Ở đây, người ta chỉ cần áp dụng những điều chỉnh nhỏ và ưu tiên dinh dưỡng thực vật trong mỗi bữa ăn, chọn thực vật tốt cho động vật.

Tại Việt Nam, tiêu dùng sản phẩm từ thực vật cũng ngày càng gia tăng theo xu thế chung của thế giới. Đơn cử sữa đậu nành, lượng tiêu thụ của người Việt hiện đứng thứ ba thế giới, tăng đều trong thời gian từ năm 2010 (400 triệu lít) đến 2014 (617 lít), đạt lũy kế là 53%, theo nghiên cứu của AC Nielsen Việt Nam. Vài năm gần đây, người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều đến thịt thực vật. Hậu Covid-19, người tiêu dùng Việt giảm tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, hướng đến tăng khẩu phần dinh dưỡng thực vật.

Các chuyên gia chia dinh dưỡng thực vật gồm 6 loại thực phẩm chính: trái cây, rau xanh, các loại ngũ cốc, các loại củ, các loại đậu, các loại hạt, trong đó Vinasoy tập trung khai thác các dưỡng chất quý từ nhóm các loại đậu và các loại hạt, và sản phẩm chủ yếu vẫn là đồ uống.

"Là doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam chuyên tâm về dinh dưỡng thực vật, chúng tôi phải tự mày mò tìm lối đi riêng. Dinh dưỡng thực vật tuy có phát triển thời kỳ hậu Covid-19, nhưng thị trường vẫn còn hạn hẹp", bà Nguyễn Thị Hồng Yến - Giám đốc Khối Marketing Vinasoy chia sẻ.

Đại diện nhãn hàng cho biết, tuy nhiều khó khăn trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển nhưng Vinasoy lại có lợi thế riêng như: am hiểu và thực nghiệm rất nhiều trong nghiên cứu chuyên sâu, từ chọn lựa phát triển giống, vùng nguyên liệu chất lượng đưa vào sản xuất đến các các kiến thức chuyên sâu về dinh dưỡng. Doanh nghiệp kiên định với các chiến lược đầu tư bền vững bởi "xem đây là chiến lược lâu dài của doanh nghiệp".

Vinasoy tự tin khi nghiên cứu sản xuất dòng sản phẩm sữa chua thực vật mới nhờ đã tích lũy kinh nghiệm và kiến thức trong suốt 25 năm hoạt động trong ngành sữa. Năm 1997, nhà máy sữa với tên gọi Trường Xuân – tiền thân của Vinasoy được thành lập, trực thuộc công ty Đường Quảng Ngãi. Mặt hàng chủ lực của Trường Xuân lúc bấy giờ là sữa tiệt trùng, sữa chua và kem, riêng sữa đậu nành Fami chỉ là một sản phẩm nhỏ.

Tuy nhiên, do khá "non trẻ" trong thị trường sữa lúc bấy giờ, nhà máy gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Đứng trước nguy cơ lớn, đội ngũ công ty quyết định thay vì đa dạng sản phẩm, công ty tập trung vào một mặt hàng chủ lực, là sữa đậu nành Fami.

"Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu trên con đường trở thành ‘người dẫn đầu’, chúng tôi đã chủ động ‘gõ cửa’ lần lượt 14 nhà tư vấn ở nhiều nơi với một mong mỏi duy nhất là được học hỏi về xây dựng thương hiệu một cách bài bản. Ngày 16/5/2005, thương hiệu Vinasoy ra đời. Đây là bước đầu tiên trên con đường định vị thương hiệu trong ngành sữa đậu nành Việt Nam", đại diện Vinasoy chia sẻ.

Để hiện thực hóa mục tiêu, bên cạnh nhãn hàng Fami quen thuộc, doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm sữa đậu nành Vinasoy nguyên chất năm 2012, đồng thời xây dựng và nâng cấp công suất 3 nhà máy tại Quảng Ngãi, Bắc Ninh (2012 - 2015), Bình Dương (2016), ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC).

Thành quả là Vinasoy nằm trong Top 5 công ty sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới 3 năm liên tiếp 2019-2021 (được GlobalData chứng nhận); Vinasoy và Fami lần lượt là nhà sản xuất và nhãn hiệu dẫn đầu về thị phần và giá trị sản lượng trong ngành hàng sữa đậu nành uống liền tại Việt Nam từ 1/2012 đến 12/2020, chiếm lĩnh 92,2% thị phần sản lượng sữa đậu nành bao bì giấy toàn quốc, theo nghiên cứu của Nielsen.

"Đây là tiền đề giúp doanh nghiệp tự tin trên con đường hiện thực hóa tầm nhìn trở thành chuyên gia dinh dưỡng thực vật", đại diện nhãn hàng nói. "Với Veyo Yogurt – khi sản phẩm không dùng đậu nành là nguồn nguyên liệu chính, Vinasoy đã sẵn sàng tiến vào một sân chơi rộng lớn hơn với những sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng từ việc nghiên cứu phát triển, đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng đến chú tâm vào vùng nguyên liệu để mang lại chất lượng tốt nhất cho sản phẩm".

Các dòng sản phẩm mới đều tuân thủ 5 tiêu chí "dinh dưỡng vàng từ thực vật": không lactose, không cholesterol, không biến đổi gen, ít chất béo bão hòa và 100% đạm từ thực vật, như một lời cam kết mang đến cho người tiêu dùng những lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe từ nguồn dinh dưỡng thực vật.

Bà Nguyễn Thị Hồng Yến cho biết, thương hiệu Veyo Yogurt là tâm huyết nhiều năm của tập thể đội ngũ chuyên gia và sáng tạo của Vinasoy. Doanh nghiệp tin rằng Veyo Yogurt sẽ sớm trở thành người bạn đồng hành của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ khi họ chọn lựa những giải pháp nhanh chóng, tối ưu để cân bằng dinh dưỡng trong cuộc sống hiện đại và bận rộn. "Veyo Yogurt cũng sẽ là cầu nối để người tiêu dùng càng thêm yêu thích các sản phẩm dinh dưỡng từ thực vật khi hướng tới một sức khoẻ toàn diện và lối sống khoẻ mạnh", bà Yến nói.

Nội dung: Hoàng Anh - Ảnh: Vinasoy.