Thứ năm, 18/4/2024
Thứ bảy, 5/11/2022, 10:31 (GMT+7)

Điểm bán 'tự phát' mọc lên khi cây xăng hết hàng

Tại Hà Nội, TP HCM, tình trạng thiếu nhiên liệu vẫn diễn ra và ngay gần những cây xăng, các điểm bán lẻ tự phát mọc lên, giá đắt gấp rưỡi, gấp đôi.

Tối 4/11, cửa hàng xăng dầu Tam Đa trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) đóng cửa treo biển "đang chờ nhập hàng". Nhiều người dân táp vào đổ nhiên liệu nhưng đành quay về.

Các cây xăng hết hàng đã tạo điều kiện cho điểm bán xăng lẻ tự phát có "đất sống". Đối diện cây xăng Yên Phụ (Tây Hồ), trên dải phân cách, một người đàn ông ngồi dưới hàng cây sang chiết những can xăng 1 lít từ những can lớn để bán lẻ, với giá 25.000 - 30.000 đồng một lít.

Tại cửa hàng xăng dầu trên đường Yên Phụ, dòng người xếp hàng chờ mua tràn cả ra đường.

Một người phụ nữ cầm bình xăng trên tay, vừa đi vừa chèo kéo những người đến đây đổ xăng, mua với giá 50.000 đồng một can 2 lít "nhanh tiện, khỏi mất công xếp hàng".

Trước cửa hàng xăng dầu Hàng Bún (quận Ba Đình) lúc 19h30, điểm bán xăng tự phát đã "mọc" lên vài ngày nay khi tình trạng khan hiếm nhiên liệu xảy ra tại Hà Nội. Người phụ nữ trong ảnh cầm nhiều can xăng 2 lít để bán lẻ cho khách chờ xếp hàng trước cây xăng.

Tình trạng cây xăng tự phát diễn ra trên nhiều tuyến phố trung tâm thuộc quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ...

Cạnh bến xe Kim Mã (quận Ba Đình), một quán bán đồ ven đường cũng treo biển bán xăng lẻ giá 30.000 đồng một lít. Xe gần hết xăng, chạy từ Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) về tới đường Giảng Võ, qua 3-4 cây xăng nhưng chưa đổ được vì "nơi thì hết hàng, nơi thì hàng trăm người xếp hàng chờ", nên anh Nguyễn Chung - nhân viên một công ty công nghệ tại Hà Nội, đành chấp nhận mua xăng ngoài giá cao.

"Vừa mua vừa run vì không biết xăng chất lượng thế nào, nhưng xe cạn nhiên liệu không thể đi thêm nên tôi đành đổ tạm một lít", anh chia sẻ.

Một số cây xăng dầu tư nhân hết hàng, người dân đổ dồn tới những cửa hàng thuộc hệ thống doanh nghiệp Nhà nước. Dòng người kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ tới lượt đổ xăng, tại cây xăng dầu tại Mễ Trì (Từ Liêm) tối 4/11.

Tại cuộc họp với Bộ Công Thương đầu tuần này, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị bán lẻ chiếm gần 50% thị phần cho biết, sản lượng bán lẻ của doanh nghiệp này đã tăng 26% khi thị trường khan hiếm cung. Số lượt xe chở nhiên liệu của họ tại Hà Nội cũng tăng thêm 40-50 lượt xe vào giờ cao điểm để cung ứng hàng tới các điểm bán thuộc hệ thống.

Tháng 11, Petrolimex lên kế hoạch tạo nguồn tháng cao nhất lịch sử , là 1.156.000 m3, tương đương 140% kế hoạch được giao. Dự kiến tháng 12 sẽ tạo nguồn khoảng 1 triệu m3 xăng dầu.

Tại TP HCM, nhiều điểm bán xăng lẻ cũng xuất hiện trên các tuyến đường ở cửa ngõ thành phố như Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội...

Chị Cầm mua xăng từ các cây xăng sang lại chai nhựa 1 lít bán lại cho khách đi đường trên Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, sáng 5/11. Chị cho biết, mua xăng với giá 22.000 đồng bán lại 28.000 đông kiếm lời. Mỗi ngày chị bán khoảng 10 lít xăng.

Trên vỉa hè đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, chị Hường buôn bán tạp hóa, nay nhận bán thêm vài lít xăng kiếm lời.

Chị bán 30.000 đồng một lít xăng cho khách. “Có khách không có tiền đổ phải dắt bộ tôi còn đổ không cho, mai người ta mới quay lại trả. Phải thuê xe ôm đi mua chở tới nên tôi bán giá này mới có lời”, chị Hường nói.

Trên đường Mai Chí Thọ khoảng 8 km có gần 10 điểm bán xăng chai nhựa.

Theo quy định, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các điểm bán xăng tự phát không được phép hoạt động.

Một số cây xăng trên đường Trần Não, TP Thủ Đức treo biển tạm ngưng bán sáng nay.

Dòng xe bồn chở xăng dầu di chuyển trên Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức sáng 5/11.

Thị trường xăng dầu trong nước nhiều xáo trộn diễn ra thời gian dài tại TP HCM, các tỉnh miền Nam và gần đây là cả Hà Nội. Các doanh nghiệp cho rằng, chi phí kinh doanh chưa được tính đủ vào giá cơ sở bán lẻ, giá dầu thế giới trồi sụt trước biến động địa chính trị... khiến họ bị lỗ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối có 20 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội cho hay, tình trạng nhiều cây xăng tư nhân đóng cửa không phải do họ găm hàng, mà là không có để bán và quá lỗ nên cạn tiền nhập hàng.

Ông dẫn chứng, đều đặn vài tháng qua doanh nghiệp của ông lỗ khoảng 2 tỷ đồng một tháng do chiết khấu thấp hoặc 0 đồng và giờ gần "cạn sức, cạn tiền". Cùng đó, nhập hàng từ đầu mối cũng không dễ. "Doanh nghiệp đầu mối quen vẫn cấp hàng, ký hợp đồng đều thông báo hàng về cầm chừng, cấp theo tiến độ kho, nên buộc chúng tôi cũng phải vừa bán vừa chờ hàng", ông chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, sức chống chịu của doanh nghiệp cũng chỉ có giới hạn. Những giải pháp cơ quan quản lý đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, nên cần các giải pháp lâu dài, căn cơ hơn để gỡ khó khăn trong kinh doanh xăng dầu.

Ngọc Thành - Thanh Tùng - Hoài Thu