Thứ năm, 1/12/2022, 09:00 (GMT+7)

Đường vành đai nằm bao quanh hành lang các thành phố lớn, có ý nghĩa kết nối trên diện rộng, tác động tới nhiều khu vực, vùng lân cận, tạo nên mạng lưới phát triển kinh tế vùng cho mỗi quốc gia.

Tại Hà Nội, các tuyến vành đai không chỉ giảm tải áp lực giao thông nội đô, mà còn là đòn bẩy tạo nên những hành lang góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai. Đi cùng sự phát triển của các dự án vành đai, là hệ thống hạ tầng quy mô, các trung tâm kinh tế, tài chính sôi động... dần hình thành.

Mạng lưới vành đai khung vùng Thủ đô. Đồ họa: Tiến Thành

Hà Nội hiện quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).

Trong đó, tuyến đường vành đai 1 đi qua các cửa ô cũ của Hà Nội như Yên Phụ, Cầu Dền, Đông Mác, Kim Liên, Chợ Dừa, Cầu Giấy, Bưởi. Khu vực phía trong tuyến đường được xác định là khu vực bảo tồn và hạn chế phát triển, được chia thành khu phố cổ và khu phố cũ một cách không chính thức.

Sự phát triển đô thị mạnh mẽ và gia tăng số lượng phương tiện giao thông đã đặt ra yêu cầu cải tạo mở rộng đường vành đai 1. Từ năm 1999, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án cải tạo, mở rộng một số tuyến với mục tiêu giảm áp lực giao thông. Trong đó, những đoạn Ô Chợ Dừa - Kim Liên - Ô Ðông Mác - Nguyễn Khoái đã hoàn tất.

Các tuyến vành đai mở đường cho phát triển đô thị Hà Nội
 
 
Video: Nhật Quang

Trước những áp lực về giao thông, tuyến Vành đai 2 được khởi công vào 2005 phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội, giải quyết vấn đề ùn tắc, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội.

Với tổng chiều dài 43,6km và mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, đường vành đai 2 chạy qua 8 quận, huyện. Vào tháng 1/2016, đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy dài 6,4 km được thông xe. Đoạn Vành đai 2 kéo dài từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở vừa được hợp long tháng 7 vừa qua và dự kiến thông xe vào cuối năm nay.

Đường vành đai 2 đang được gấp rút thi công những hạng mục cuối cùng, tháng 11/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Các đoạn tuyến nói trên đã tạo nên một trục đường chạy xuyên suốt, giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm Thủ đô và đặc biệt đã thúc đẩy kết nối từ khu vực cầu Vĩnh Tuy đến sân bay Nội Bài.

Cùng với sự hoàn thiện của tuyến đường, các tòa nhà, dự án cao tầng cũng dần hiện diện. Cư dân trong các khu vực trung tâm phố cổ có xu hướng dịch chuyển ra khu vực quanh khu vực này.

Tuy nhiên, khi dân số ngày một tăng, tuyến Vành đai 2 cũng dần quá tải. Cùng với đó, không gian để phát triển đô thị một lần nữa trở nên chật chội. Đó là lúc Tuyến đường Vành đai 3 được đẩy mạnh triển khai dù đã nằm trong Quy hoạch tổng thể thủ đô Hà Nội từ năm 1992.

Tuyến đường là hệ thống cầu cạn có chiều dài khoảng 65km, kéo dài từ Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm được thiết kế theo chuẩn cao tốc, phục vụ xe ôtô chạy tốc độ tối đa 90 km/h.

Khoảng một thập kỷ trước, khi một số chặng đầu tiên của tuyến đường này đi được đưa vào sử dụng, dọc con đường chủ yếu là lác đác các khu vực cư dân hiện hữu với hầu hết nhà đất thổ cư, những mái nhà tạm hoặc cánh đồng, khu đất bỏ hoang...

Tuy nhiên, giờ đây những tòa nhà cao tầng, khu đô thị hiện đại, toà nhà văn phòng, trung tâm mua sắm, công viên... dần lấp kín dọc con đường. Cùng với đó, hàng loạt các con đường kết nối từ Vành đai 3 đi mọi hướng cũng được mở rộng, nâng cấp và hiện đại hoá. Bởi vậy đây cũng là một trong những trục giao thông và đô thị sôi động bậc nhất thủ đô hiện nay.

Đường Vành đai 3 đoạn qua khu đô thị Linh Đàm, tháng 9/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Đường Vành đai 3,5 kết nối khu vực phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng, dài 45,64 km sau đó cũng được triển khai để giảm tải cho áp lực cho những tuyến đường hiện hữu.

Nếu như trước đây, hạ tầng quanh khu vực này chủ yếu là các tuyến đường xuống cấp thì giờ đây nhiều đoạn đã hoàn thành tuyến đường rộng rãi, nhiều làn xe. Tuy mới có một trong số 8 đoạn được đưa vào sử dụng nhưng nhiều phân khu đô thị và khu dân cư thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì và Hoài Đức... đã được hình thành và triển khai, dần tạo thành một trong những khu vực bất động sản sôi động, với mặt bằng giá cao. Cùng với đó, các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ... ngày càng đa dạng và thay đổi về chất lượng. Cuộc sống của người dân ngày một hiện đại hơn.

Ảnh: Huy Mạnh

Một số đoạn trên tuyến Vành đai 3,5 được TP Hà Nội dự kiến rót thêm hàng nghìn tỷ đồng. Dự kiến, hết năm 2025, gần 90% tuyến đường (tương đương 40,1 km trong tổng số 45,64 km) sẽ được đầu tư theo quy hoạch và khép kín khi cầu Ngọc Hồi hoàn thành, tạo sự kết nối hai bờ Bắc - Nam sông Hồng. Đây sẽ là động lực cho sự phát triển hơn nữa của những khu dân cư, đô thị, hoạt động thương mại, dịch vụ... ngày càng sầm uất dọc hai tuyến đường.

Ngoài những tuyến Vành đai đã hoặc đang triển khai xây dựng, Chính phủ cũng đã thông qua Nghị quyết triển khai một số dự án đường Vành đai, trong đó có tuyến Vành đai 4 và 5. Trong chỉ đạo gần đây, Chính phủ đặt mục tiêu khởi công tuyến đường vào tháng 6/2023.

Tuyến đường Vành đai 4 dài 112,8km qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh... đóng vai trò quan trọng trong liên kết vùng, bảo đảm kết nối giữa các địa phương lân cận với thành phố Hà Nội. Đường Vành đai 4 cũng góp phần mở rộng không gian, tạo động lực phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất phía Tây Vành đai 4 địa phận Hà Nội; phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ sinh; các khu đô thị Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức đã được quy hoạch; các khu đô thị, công nghiệp 2 bên tuyến trên địa phận Hưng Yên, Bắc Ninh...

Đường vành đai 4 - Vùng thủ đô đi qua địa phận ba tỉnh, thành là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đồ hoạ: Tiến Thành

Theo các chuyên gia, bộ đôi vành đai 3,5 và Vành đai 4 là giải pháp hoàn thiện hệ thống đường bộ của Vùng Thủ đô, kết nối xuyên suốt đến cả 10 địa phương phía Bắc. Các dự án hạ tầng nghìn tỷ còn là bàn đạp tiếp cận các khu vực kinh tế, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh. Đây cũng là động lực cho sự hình thành các đô thị vệ tinh, "kéo" cư dân từ nội đô ra các khu vực xung quanh, giúp giảm áp lực cho lõi đô thị.

Đơn vị nghiên cứu thị trường Savills nhận định, bên cạnh việc giảm tải áp lực giao thông nội đô và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của khu vực, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô án sẽ giúp kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương. Điều này tạo tiền để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất giữa các tỉnh thành. Kế hoạch triển khai này cũng mang ý nghĩa "đối ngoại" quan trọng trong khu vực Bắc Bộ, giúp tạo ra tiềm năng phát triển và đầu tư các dự án bất động sản tại các khu vực xung quanh.

Các tuyến đường kết nối Hà Nội – Hưng Yên

Theo ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, sự xuất hiện của các tuyến đường vành đai, cùng với các hệ thống cầu tạo lợi thế kết nối tốt giữa khu vực bờ Đông sông Hồng với trung tâm Hà Nội, cũng như đi các tỉnh thành lân cận.

Tuyến đường kết nối Hà Nội – Hưng Yên

Nội dung: Hoài Phong - Thiết kế: Hằng Trịnh