Thứ bảy, 27/4/2024
Thứ ba, 10/1/2023, 21:16 (GMT+7)

Hơn 1.000 phật tử dự lễ giỗ đầu thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thừa Thiên - HuếSáng 10/1, hơn 1.000 phật tử, tăng ni về chùa Từ Hiếu dự lễ tưởng niệm một năm ngày thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch.

Trước lúc tham dự lễ cúng, tăng ni, phật tử cùng thiền hành quanh chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế).

Một năm trước, lúc 0h ngày 22/1, thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, thọ 96 tuổi. Đây là nơi ông bắt đầu con đường xuất gia tu học năm 1942 và từ nước ngoài về tĩnh dưỡng từ tháng 10/2018.

Một người nước ngoài cùng hát và thực hiện động tác nở hoa trong lễ thiền hành quanh khuôn viên chùa.

Trước lúc viên tịch, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu. Ông dặn các đệ tử: "Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".

Thực hiện di nguyện, tro cốt của thiền sư được chia đều cho các thiền viện của Làng Mai và chùa Từ Hiếu.

Sư bà Chân Không, người gắn bó với thiền sư Thích Nhất Hạnh trong những năm đầu sáng lập Làng Mai được đệ tử dìu vào thiền đường Trăng Rằm đảnh lễ.

9h, tăng ni trong y áo chỉnh tề tham gia lễ cúng ngọ, khởi đầu cho lễ giỗ đầu (còn gọi là tiểu tường) thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Chư tăng thực hiện nghi lễ cúng ngọ tại chánh điện chùa Từ Hiếu.

Trong tiết trời se lạnh, hàng nghìn phật tử từ khắp nơi trở về chùa Từ Hiếu tham dự lễ tưởng nhớ thiền sư. Phật tử chắp tay niệm kinh Phật theo chư tăng.

Sau lễ cúng ngọ tại chánh điện, chư tăng sang thiền đường Trăng Rằm tham dự lễ Cung tiến giác linh.

Một năm trước, thiền đường Trăng Rằm là nơi đặt linh cữu thiền sư Thích Nhất Hạnh trong lễ tâm tang.

Hàng trăm tăng ni tham gia lễ cung tiến giác linh tại thiền đường Trăng Rằm.

Mâm cỗ trong lễ cung tiến giác linh là những món chay đơn giản, giống như lối sống giản dị của thiền sư lúc sinh thời.

Hòa thượng Thích Chí Thắng, sư đệ của thiền sư Thích Nhất Hạnh rót trà trong lễ Cung tiến giác linh.

Hòa thượng Thích Chí Thắng nhìn di ảnh cố thiền sư Thích Nhất Hạnh được thờ tự ở gian nhà kế bên chánh điện chùa Từ Hiếu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.

Năm 1949, ông rời Huế vào Sài Gòn tu học, bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh. Tháng 5/1966, thiền sư rời Việt Nam, hoạt động ở nhiều nước và từng trụ trì chùa Làng Mai, phía nam nước Pháp trong nhiều thập kỷ.

Ông đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire, do ông viết. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của một số hãng tin nước ngoài.

Võ Thạnh