Thứ sáu, 13/1/2023, 16:45 (GMT+7)

Người Trung Quốc sắm sửa đón Tết

Người Trung Quốc tất bật mua sắm thực phẩm, đồ trang trí, dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng đường phố trước thềm Tết Nguyên đán.

Chủ quầy viết thư pháp lên đồ trang trí trong hội chợ ở thị trấn Bình Diêu, quận Dư Hàng, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 11/1. Hội chợ giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và văn hóa địa phương bắt đầu từ 11/1 để chào Tết Nguyên đán.

Gần Tết, đường phố Trung Quốc được trang hoàng bằng đèn lồng đỏ. Trước Tết nửa tháng, người dân dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, đảm bảo ngôi nhà được quét sạch bụi bẩn năm cũ để đón lộc năm mới.

Người dân chọn đồ trang trí Tết tại chợ ở phường Nghị Dương, thành phố Trường Ninh, tỉnh Hồ Nam, ngày 11/1.

Các hội chợ đang được tổ chức khắp Trung Quốc trong không khí đón Tết rộn ràng. Người Trung Quốc thích trang trí nhà bằng màu đỏ, màu tượng trưng cho sự may mắn. Họ sẽ treo đèn lồng, nút thắt cát tường, câu đối, chữ Phúc và dán giấy lên cửa.

Quầy hoa Tết tại một cơ sở trồng hoa ở huyện Phì Tây, thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, ngày 10/1.

Bánh kẹo, mứt tết bày bán trong siêu thị ở quận Liên Vân, thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, ngày 10/1.

Những món không thể thiếu trong bữa cơm tất niên ở Trung Quốc là cá nguyên con hấp hoặc om vì từ "cá" trong tiếng Trung đồng âm với từ "dư" (dư thừa), tượng trưng cho một năm sung túc đầy đủ; nem có vỏ làm từ bột mì rán vàng, hình dáng giống vàng thỏi, tượng trưng cho tiền tài, ăn kèm rau sống tượng trưng cho khởi đầu tươi mới.

Người miền bắc Trung Quốc thường ăn bánh chẻo, loại há cảo vỏ làm từ bột mì và nhân thịt, nặn hình nén vàng tượng trưng cho tiền tài. Người miền nam ăn bánh trôi làm từ gạo nếp, tượng trưng cho đoàn viên.

Nhân viên công viên Bắc Hải, Bắc Kinh, treo đèn lồng trang trí Tết ngày 10/1.

Từ trẻ em mới sinh tới thiếu niên đều được người lớn lì xì trong phong bao màu đỏ với hy vọng xua đuổi tà ma khỏi trẻ con. Người Trung Quốc thường mừng tuổi 50 tệ hoặc 100 tệ (7,4 - 14,8 USD). Tiền mừng tuổi sẽ dùng để mua đồ chơi, đồ ăn vặt, quần áo, giấy bút, hoặc chi tiêu cho giáo dục. Internet phát triển khiến người dân chuyển sang mừng tuổi bằng phong bao điện tử.

Công nhân xưởng pháo hoa ở thị trấn Đại Dao, thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, chuẩn bị đơn hàng Tết ngày 11/1.

Gala Giao thừa của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), thường gọi là Xuân Vãn, là chương trình truyền hình đặc biệt được xem nhiều nhất ở Trung Quốc từ khi bắt đầu năm 1983. Chương trình phát sóng trực tiếp khoảng 4,5 tiếng, biểu diễn các tiết mục âm nhạc, nhảy múa, hài kịch, kinh kịch và nhào lộn.

Em bé ăn kẹo hồ lô khi cùng gia đình đi sắm Tết ở khu phố cổ thuộc thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc, ngày 10/1.

Đèn lồng hình con thỏ sáng rực một góc phố cổ Từ Khí Khẩu thuộc quận Sa Bình Bá, trung tâm thương mại nổi tiếng ở thành phố Trùng Khánh, ngày 9/1. Theo quan niệm của người Trung Quốc, năm âm lịch sắp tới là năm con thỏ thay vì con mèo.

Ngày mùng một Tết, người Trung Quốc thường ở nhà và bắt đầu đi chúc Tết từ mùng hai. Mùng hai cũng là ngày con gái đã lấy chồng cùng gia đình về thăm bố mẹ. Người dân thường mang quà tặng họ hàng khi đi chúc tết, lì xì trẻ con.

Người dân mua xúc xích, thịt khô trong khu chợ Tết ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, ngày 10/1.

Ở khu vực đô thị, ngày Tết thường diễn ra các hội đền với các nghi thức, trò chơi, đồ ăn vặt đặc sản. Một số nơi tổ chức hội chợ đèn lồng ban đêm. Ở các vùng nông thôn, người dân thường xem các buổi biểu diễn dân gian như đi cà kheo, múa rồng múa lân.

Ảnh: AFP