HLV Park đã vực dậy bóng đá Việt Nam thế nào

Bên cạnh những chiến tích trong hơn năm năm tại vị, HLV Park Hang-seo còn thu hút sự quan tâm đội tuyển và U23 Việt Nam nhiều gấp hàng trăm lần so với trước.

Từ trái sang: Bầu Đức, Cựu tổng thư ký Lê Hoài Anh, HLV Park Hang-seo và Chủ tịch Trần Quốc Tuấn trong cuộc đàm phán ở Seoul, Hàn Quốc ngày 29/9/2017. Ảnh: VFF

Giai đoạn 2012-2014, sự quan tâm dành cho đội tuyển và U23 Việt Nam xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Đội tuyển bị loại ngay vòng bảng AFF Cup 2012, rồi bị Malaysia loại ở bán kết năm 2014 dù thắng 2-1 trên sân khách ở lượt đi. U23 Việt Nam cũng dừng bước ngay vòng bảng SEA Games 27 tại Myanmar.

Hai năm tiếp theo, lứa cầu thủ đầu tiên của những trung tâm đào tạo trẻ hiện đại như HAGL, Hà Nội, PVF hay Viettel lần lượt xỏ giày đá chuyên nghiệp và lên các hệ tuyển. Niềm tin của người hâm mộ dần được nhen nhóm, sau khi Việt Nam giành suất dự U20 World Cup dưới trướng HLV Hoàng Anh Tuấn.

Tuy nhiên, đội tuyển và U23 Việt Nam vẫn trắng tay ở các giải chính thức. Việt Nam với nòng cốt cầu thủ HAGL bị loại ngay vòng bảng SEA Games 29. Ngay sau trận thua Thái Lan 0-3 ở Selangor ở lượt cuối vòng bảng ngày 24/8/2017, HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng từ chức. VFF cũng bắt đầu tìm người mới lèo lái hai đội quan trọng, và họ nhắm tới chuyên gia ngoại.

Chỉ hơn một tháng sau, nhóm thường trực VFF bay sang Seoul để thương thảo với HLV Park. Trong một ảnh chụp bốn người ở cuộc đàm phán ngày 29/9/2017 tại Seoul, một chiếc cup vàng World Cup được đặt sau chỗ ngồi của ông Park. Mục nổi bật nhất trong lý lịch của ông khi đó là "cánh tay phải" của HLV Guus Hiddink giúp Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002. Còn thành tích của ông khi làm HLV trưởng không có điểm đặc biệt.

Ít ai ngờ bức ảnh lại trở thành khoảnh khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam, khi quan hệ giữa thầy Park và đội tuyển bắt đầu manh nha. Sau năm năm, ba tháng, 18 ngày, ông đã dẫn dắt Việt Nam trận cuối, để lại phía sau di sản mà chưa ai làm được.

HLV Park đã hâm nóng lại niềm tin và sự quan tâm của người Việt Nam dành cho đội tuyển và U23. Điều này thể hiện qua những lượt đọc bài báo, xem tin truyền hình hay tương tác mạng xã hội. Tài khoản FacebookInstagram của các tuyển thủ tăng vọt trong thời gian này, với hơn 10 cầu thủ nhận được hàng triệu lượt theo dõi.

Một cách khác dùng để đo đếm sự quan tâm của người hâm mộ dành cho đội tuyển là dựa vào mức độ tìm kiếm từ khoá về đội trên Google, thông qua dịch vụ Google Xu hướng (Google Trends). Dịch vụ này dùng để so sánh mức tìm kiếm một từ khoá trên Google từ tháng 1/2004.

Biểu đồ trên cho thấy mức quan tâm của người Việt Nam dành cho đội tuyển trong hơn năm năm dưới trướng Park tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với năm năm trước đó. Và chưa khi nào đội tuyển thu hút sự chú ý đến thế, kể từ năm 2004.

Gần 20 năm trước, đội tuyển cũng gây sốt với lứa cầu thủ trẻ tuổi đôi mươi nhiều tiềm năng, thường đứng trong Top 100 FIFA. Cao điểm là chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc - đội đứng thứ tư World Cup 2022 - ở vòng loại Asian Cup ngày 19/10/2003 tại thủ đô Muscat, Oman. Đến nay, đó vẫn là thắng lợi bất ngờ nhất trong lịch sử đội tuyển nếu tính theo vị trí FIFA, khi Hàn Quốc đứng thứ 22 còn Việt Nam 98. Phạm Văn Quyến ghi bàn duy nhất trận, ở tuổi 19, và hiện tại hiếm có người hâm mộ nào không biết tên tiền đạo này dù anh ngừng sự nghiệp quốc tế từ năm 2005.

Kể từ đó, sự niềm tin của người Việt Nam dành cho đội tuyển sụt giảm nhiều lần. Ngay cả khi đội lần đầu vô địch AFF Cup năm 2008, tỷ lệ tìm kiếm từ khoá này chỉ là 18%.

HLV Park nâng AFF Cup trên sân Mỹ Đình, Hà Nội ngày 15/12/2018. Ảnh: Lâm Thoả

Đỉnh điểm sự quan tâm dành cho đội tuyển Việt Nam là tháng 12/2018 mức 90%, và tháng 1/2019 mức 100%. Đó là khi HLV Park dẫn dắt đội tới chức vô địch AFF Cup thứ hai, và lần đầu vượt qua vòng 1/8 Asian Cup. Sự quan tâm dành cho đội tuyển khi đó cao gấp năm lần so với lúc thầy trò Henrique Calisto thắng Thái Lan tại chung kết AFF Cup 2008 trên sân Mỹ Đình.

"Cơn sốt" lớn nhất mà HLV Park tạo ra ở Việt Nam lại đến từ một giải cấp U23, chính là VCK U23 châu Á tháng 1/2018 tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Thầy trò Park thắng Australia ở vòng bảng, rồi hạ Iraq và Qatar trên loạt đá luân lưu để vào chung kết. U23 Việt Nam chiến đấu tới những phút cuối trong một buổi chiều tuyết trắng đầy trời Thường Châu ở chung kết, dù thua Uzbekistan đúng ở phút 120. Đây vẫn là thời điểm bóng đá Việt Nam được quan tâm nhất lịch sử, và kỷ lục sẽ khó bị san lấp trong tương lai gần.

Ở mọi giải đấu có HLV Park dẫn đội, người hâm mộ đều quan tâm hơn. Sức hút của U23 Việt Nam năm 2018 còn cao gấp hàng nghìn lần so với hơn 10 năm trước đó. Lứa cầu thủ như Nguyễn Quang Hải hay Nguyễn Công Phượng đã lại làm nức lòng người hâm mộ ở mức cao gấp nhiều lần so với Văn Quyến hay Lê Công Vinh ngày trước. Điều đó sẽ khó xảy ra nếu không có sự dẫn dắt của "thuyền trưởng" Park.

Đặc sản của HLV Park ở Việt Nam chính là hàng thủ được gia cố bằng hệ thống năm hậu vệ, tiền đề cho mọi thành tích của ông tại Việt Nam. Trong họp báo ra mắt đội tuyển sáng 11/10/2017, ông trăn trở về chiến thắng 5-0 của Việt Nam trước Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019 tối hôm trước, khi HLV Mai Đức Chung nắm tạm quyền. "Tôi hài lòng về mọi mặt, trừ một điều khiến tôi lăn tăn là đối thủ chuyền quá dễ mà bóng vẫn sang được phần sân của Việt Nam", HLV Park nói. "Sau này tôi sẽ điều chỉnh việc đó".

Nói là làm, ông tìm một hệ thống phòng ngự phù hợp hơn với cầu thủ Việt Nam. Ngoại trừ trận ra mắt hoà Afghanistan dùng sơ đồ 4-2-3-1, đội tuyển và U23 đều xuất phát với hệ thống năm hậu vệ dưới trướng Park. Điều quan trọng hơn là ông cải thiện được kỷ luật chơi bóng cho các cầu thủ, giúp Việt Nam thủ chặt chẽ và ít lộ khoảng trống hơn. Lịch sử trước đây chưa có đội nào giữ sạch lưới cả vòng bảng AFF Cup nhiều hơn một lần, nhưng Việt Nam làm được điều này tới ba lần liên tiếp cùng HLV 65 tuổi.

"Dưới thời Park, Việt Nam phòng ngự có tổ chức và kỷ luật cao hơn", cựu HLV Thái Lan Steve Darby nói với VnExpress. "Các tuyển thủ cũng chơi tận hiến và quyết liệt, giúp đội đạt được nhiều thành tựu".

Đoàn Văn Hậu (trái) và Đặng Văn Lâm mừng trận thắng Indonesia trên sân Mỹ Đình ở bán kết lượt về AFF Cup 2022 hôm 9/1/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Thống kê cũng cho thấy rõ khả năng phòng ngự của Việt Nam được cải thiện nhờ Park. Ông đã dẫn đội tuyển 56 trận, thủng 45 bàn, trung bình 0,8 bàn thua mỗi trận. Trong 56 trận trước đó, đội tuyển thủng 71 bàn, trung bình 1,3 bàn mỗi trận. Chưa kể dưới thời Park, Việt Nam gặp tới 19 đội trong Top 100 FIFA, còn trong 56 trận trước đó đội gặp 13 đối thủ ở nhóm này.

Một vấn đề gây nhiều tranh cãi dưới thời Park cũng nằm ở việc đội tập trung quá nhiều vào phòng ngự, dẫn tới khả năng ghi bàn không tốt. Đoàn quân của Park ghi trung bình 1,54 bàn mỗi trận, giảm đi so với thành tích 1,8 bàn một trận trong 56 trận trước thời của ông. Nếu không tính 10 trận ở vòng loại ba World Cup 2022 gặp năm đối thủ hàng đầu châu lục, chỉ số của Việt Nam là 1,7 bàn mỗi trận, vẫn thấp hơn thời gian trước.

HLV Park cũng nhận thấy hạn chế của đội trong khả năng tấn công, và nhiều lần thôi thúc các CLB V-League trao cơ hội thi đấu cho các tiền đạo nội. Ngoài Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Văn Toàn và gần đây là Phạm Tuấn Hải, các tiền đạo Việt Nam hầu hết không đá chính thường xuyên tại V-League. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở thời trước, khi Lê Công Vinh hay Nguyễn Anh Đức là những tiền đạo nội hiếm hoi xuất phát nhiều ở giải trong nước.

Nhưng bàn thắng hay bàn thua vẫn không quan trọng bằng kết quả và danh hiệu. Cựu HLV Alex Ferguson từng nói: "Tấn công có thể giúp đội thắng nhiều trận đấu, nhưng phòng ngự giúp đội đoạt nhiều danh hiệu". Sự vững chắc của hàng thủ giúp Việt Nam đạt được những kỳ tích cùng HLV Park.

Người hâm mộ nào có lẽ cũng thuộc lòng những thành tựu của ông Park với đội tuyển và U23 Việt Nam. Trong năm năm vàng son, Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và vòng loại ba World Cup 2022. U23 Việt Nam cũng vào chung kết châu Á, bán kết Asiad và hai lần đoạt HC vàng SEA Games. Trong đó, cả ba chiến tích của đội U23 đều chưa từng xuất hiện trước thời Park. Đội tuyển cũng lần đầu đi tới vòng loại cuối World Cup và đứng trong Top 100 FIFA hơn 1.500 ngày qua.

Trong những năm trước khi Park đến, Việt Nam thường chỉ xấp xỉ Thái Lan về vị trí ở FIFA. Nhưng đội luôn tạo cách biệt hơn 10 bậc với kình địch trong khu vực dưới thời ông.

Đã có tám HLV từ chức hoặc bị sa thải sau khi thua Việt Nam thời Park, gồm Guus Hiddink, Jan Kocian, Sven-Goran Eriksson, Antoine Hey, Simon McMenemy, Sirisak Yodyardthai, Alexandre Gama và Bert van Marwijk.

Theo các chuyên gia bóng đá châu Á, như Rhysh Roshan Rai của Singapore, HLV Park đã nâng tầm Việt Nam thành đội mạnh nhất khu vực. Họ cũng cho rằng đã đến lúc Việt Nam hướng tới mục tiêu tầm châu lục. Những gì HLV người Hàn Quốc để lại mới chỉ là bước đầu cho hành trình dài nếu đội tuyển muốn lần đầu xuất hiện tại VCK World Cup.

Ông Park cũng đã để lại cho người kế thừa một di sản, đó là dàn cầu thủ đang và sẽ bước vào độ chín. HLV Park đã trao cơ hội khoác áo đội tuyển cho 56 cầu thủ trong năm năm qua, trong đó có 29 người chơi 10 trận trở lên, chiếm 52%. Trung bình mỗi năm Việt Nam chơi 10 trận, tức là 29 cầu thủ này có kinh nghiệm chơi bóng quốc tế ít nhất một năm trọn vẹn.

Trong nhóm 29 người này, lại có tới 15 cầu thủ từ 27 tuổi trở xuống, chiếm 52%. Điều đó có nghĩa 15 cầu thủ này sẽ không quá 30 tuổi vào năm 2026, thời điểm World Cup tiếp theo diễn ra. Nhóm này có những trụ cột cả ba tuyến như Quang Hải, Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức hay Đoàn Văn Hậu. Họ có khả năng chơi bóng đỉnh cao thêm khoảng năm năm nữa, đủ một nhiệm kỳ cho HLV mới hướng tới mục tiêu cao hơn.

HLV Park Hang-seo và trợ lý Lee Young-jin (phải) sau khi nhận HC bạc AFF Cup 2022 trên sân Thammasat, Pathum Thani, Thái Lan tối 16/1/2023. Ảnh: Giang Huy

Trên sân Thammasat tối 16/1, HLV Park chia tay đội tuyển không trọn vẹn, khi Việt Nam thua Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2022. Thất bại này cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn còn phải làm nhiều điều để vượt qua kình địch cũng như vươn tầm châu lục. HLV Park chỉ có thể cải thiện thành tích của các hệ đội tuyển, chứ không có cách nào thay đổi cả một nền bóng đá từ gốc rễ, như các lò đào tạo trẻ hay đặc biệt là V-League.

Nhưng ông đã lôi kéo được sự quan tâm của người hâm mộ lẫn các nhà tài trợ, để hiện tại VFF tự tin đủ khả năng trả lương cho một HLV ngoại có lý lịch tốt hơn ông Park, thay vì để bầu Đức lo phần tài chính này như trước. Tân HLV là ai, triết lý ra sao, và năng lực thế nào, vẫn còn là dấu hỏi. Không ai có thể khẳng định bóng đá Việt Nam sẽ ra sao trong vài năm tới.

Nhưng, chặng đường tiếp theo của đội tuyển Việt Nam, dù thành công hay thất bại, cũng sẽ không còn bóng dáng thầy Park ở bên.

Xuân Bình