Thứ sáu, 20/1/2023, 00:00 (GMT+7)

Làng nghề đúc đồng đỏ lửa ngày cận Tết

Thanh HóaTrong phân xưởng phía sau gian hàng giới thiệu sản phẩm, nghệ nhân Lê Văn Bảy liên tục hối thúc thợ làm việc để kịp giao mẻ hàng Tết cho khách.

Nhóm thợ ở cơ sở đúc đồng của gia đình nghệ nhân Lê Văn Bảy, 57 tuổi, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, đang khiêng những mẻ đồng nghi ngút khói rót vào khuôn đúc.

Xưởng đúc đồng của ông Bảy là một trong những cơ sở có số lao động đông nhất ở làng nghề Trà Đông, xã Thiệu Trung. Trong năm, số thợ trên dưới 10 người, gần Tết do nhận nhiều đơn hàng nên chủ cơ sở phải thuê thêm 5-7 lao động thời vụ và tăng ca.

Người thợ vẽ hoa văn tạo hình trên chiếc khuôn đúc phiên bản trống đồng Đông Sơn. Để đúc sản phẩm theo phương pháp truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn như: Chọn đất, ủ đất, tạo khuôn, nung chảy đồng, rót đồng vào khuôn và hoàn thiện làm cho đồ vật tinh xảo.

Mỗi khuôn đúc trống đồng thường được nghệ nhân làm thành hai mảnh, sau đó chập thành một vòng tròn rồi đổ đồng hóa lỏng vào.

"Công đoạn nào cũng quan trọng, song phức tạp nhất là khâu tạo hình trên những chiếc khuôn...", nghệ nhân Lê Văn Bảy nói.

Sau khi rót đồng vào khuôn, chờ thêm 4-5 tiếng để đồng nguội và đông cứng, anh Đinh Văn Trường, 37 tuổi, sẽ dỡ khuôn lấy chiếc trống ra làm nguội. Công đoạn này dành cho thợ có kinh nghiệm bởi đòi hỏi tính thẩm mỹ, sự kiên trì.

Anh Trường hơn 15 năm theo nghề đúc đồng, hiện thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống. Dịp Tết nếu làm thêm giờ, anh và đồng nghiệp có thể kiếm nhiều hơn.

Hầu hết công đoạn đúc đồng ở làng nghề Trà Đông làm bằng phương pháp thủ công truyền thống, không có hỗ trợ của máy móc công nghiệp như nhiều làng nghề khác.

Công đoạn hoàn thiện sản phẩm và phần tạo hình khuôn đúc thường chiếm nhiều thời gian nhất. Để làm chiếc trống đồng như trong hình, lao động cần bỏ ra 4-5 ngày công.

Nghệ nhân Lê Văn Bảy kiểm tra chiếc trống đồng mới được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của gia đình. Ông Bảy có hơn 20 năm kinh nghiệm đúc đồng. Cơ sở của ông từng đúc những chiếc trống đồng đường kính lớn, nặng hàng chục tấn, lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam theo phương pháp thủ công.

"Để có sản phẩm đồ thờ tinh xảo và sáng bóng, các nghệ nhân ở làng nghề Trà Đông thường có bí kíp riêng và chỉ truyền cho con cháu trong nhà hoặc những người thợ tâm huyết, tin cậy được...", ông Bảy nói.

Gian hàng trưng bày sản phẩm đúc đồng ở Trà Đông dịp Tết có rất nhiều mặt hàng đa dạng về kích thước và mẫu mã. Ngoài trống đồng, chiếm nhiều nhất là đồ thờ.

Toàn xã Thiệu Trung hiện có 15 hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến đồ đồng, tạo việc làm cho 300-400 lao động, thu nhập trung bình 7-15 triệu đồng mỗi người/tháng. Tổng doanh thu từ làng nghề đúc đồng Trà Đông dao động 200 tỷ đồng một năm.

Nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. Thiệu Trung đã có 7 người được công nhận là nghệ nhân ưu tú nghề đúc đồng.

Anh Đặng Quốc Toàn, 33 tuổi, đang hoàn thiện bức tượng Phật trong khu xưởng ở xã. Dịp này, ngoài làm các sản phẩm theo thông lệ, gia đình anh Toàn đang làm khuôn đúc một pho tượng Phật Thích ca theo đơn đặt hàng của ngôi chùa phía Nam. Bức tượng nặng 40 tấn bằng đồng nguyên chất, cao 9,5 m, ngang 7,8 m. Đây là tượng Phật bằng đồng lớn nhất từ trước đến nay ở làng nghề Thiệu Trung, theo anh Toàn.

Vợ anh Toàn đang xếp sản phẩm chuẩn bị giao cho khách.

Ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho hay nghề đúc đồng ở làng Trà Đông được cho có từ cuối thời Lý. Theo truyền thuyết, nhà sư Khổng Minh Không khi đó đã cử hai đồ đệ họ Vũ về truyền nghề cho người dân và được duy trì từ đó. Xưa làng chỉ tập trung sản xuất một số vật dụng đơn giản phục vụ nhu cầu người dân quanh vùng như xoong nồi, chảo, mâm… Ngày nay, nắm bắt thị hiếu khách hàng, các cơ sở đã sáng tạo, liên tục đa dạng hóa sản phẩm.

Sản phẩm độc đáo nhất ở làng nghề Trà Đông là đúc mô phỏng trống đồng cổ, được các nhà sử học đánh giá cao về chất lượng từ hình dáng đến âm thanh. Thiệu Trung hiện có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao.

Lê Hoàng