Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 22/1/2023, 00:00 (GMT+7)

Làm nhà cho cá dưới đáy biển Cù Lao Chàm

Quảng Nam600 khung bêtông cốt thép hình lập phương được thả xuống biển, tạo nơi cư trú, sinh sản cho các loài thủy hải sản ở Cù Lao Chàm, TP Hội An.

Năm 2018, Cơ quan Tài nguyên Thủy sản Hàn Quốc (FIRA) tài trợ 42 tỷ đồng cho dự án Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam, triển khai tại Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An. Cuối năm 2022, các bên bắt đầu thả xuống biển rạn nhân tạo khối lập phương bêtông cốt thép, mỗi cạnh dài 2 m.

Rạn nhân tạo được đúc trên bờ, sau đó cho lên tàu đưa ra vùng biển Cù Lao Chàm để làm nơi trú ẩn cho ấu trùng, sinh vật biển trưởng thành, nơi kiếm ăn và bãi đẻ của nhiều loài.

Từng khối lập phương bêtông được thả xuống biển. Ở mỗi điểm được bố trí 50 khối bêtông, xếp 2-3 lớp để tạo khoảng trống cho các loài thủy sinh trú ngụ. Cấu trúc rạn nhân tạo ở Cù Lao Chàm được lựa chọn từ rất nhiều thiết kế, do FIRA nghiên cứu và áp dụng tại các vùng biển Hàn Quốc và một số vùng biển nhiệt đới.

Trong 5 năm thực hiện dự án, 600 rạn nhân tạo được thả xuống biển ở 5 khu vực biển Cù Lao Chàm. Trong đó 4 khu vực bao xung quanh Rạn Mành và một khu tại Bãi Xếp. Thợ phải lặn xuống biển để sắp sếp các khối bêtông chồng lên nhau.

Trên thế giới, rạn nhân tạo được sử dụng từ rất sớm với nhiều mục đích, trong đó chủ yếu phát triển nguồn lợi thủy sản.

Rạn thả xuống có nhiều hàu, rò, rong rêu... bám vào. Việc này góp phần tạo thêm môi trường sống, các bãi đẻ và ươm giống các loài sinh vật biển trong ngắn hạn. Rạn cũng thúc đẩy quá trình phục hồi tái tạo nguồn lợi tự nhiên trong dài hạn đối với vùng biển Cù Lao Chàm.

Tại Bãi Xếp, 50 khối rạn nhân được thiết kế với mục đích cấy trồng tạo khu hệ phức hợp san hô - rong biển. Trong tương lai, nơi này sẽ hỗ trợ cộng đồng thực hiện các dịch vụ du lịch sinh thái biển, giảm áp lực lên hệ sinh thái tự nhiên.

Ngoài việc hỗ trợ rạn nhân tạo, dự án hỗ trợ một số trang thiết bị nghiên cứu biển như: Máy quét tầng đáy Sonar, máy quét cầm tay Lowrance, máy đo sâu hồi âm Hypack, thiết bị lặn sâu, máy chụp ảnh dưới nước, máy đo chất lượng nước đa chỉ tiêu. Việc này giúp Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện được những nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu hơn về vùng biển Cù Lao Chàm, cung cấp thông tin khoa học cho công tác phân vùng và quản lý khu bảo tồn biển.

Nhân viên Ban quản lý Cù Lao Chàm thường xuyên lặn xuống kiểm tra ở các rạn nhân tạo.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết kết quả khảo sát, đánh giá tại khu vực thả rạn nhân tạo cho thấy nguồn lợi hải sản đa dạng, các loài cá giá trị kinh tế cao gia tăng. "Đây là tín hiệu quan trọng cho thấy sự phù hợp của công nghệ rạn nhân tạo đối với khu bảo tồn, cũng như tính hiệu quả trong việc hình thành sinh cư mới cho các loài thủy sinh", ông Vũ nói.

Một đàn cá sinh sống ở rạn nhân tạo. Theo ông Vũ, dự án mang lại hiệu quả cao nên cần được tiếp nối và nhân rộng tại Cù Lao Chàm nói riêng và Quảng Nam nói chung. Việc này góp phần phục hồi và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản trong khu vực, cải thiện sinh kế cho cộng đồng.

Đảo Cù Lao Chàm cách bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, 18 km, được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển. Nơi đây có 8 hòn đảo, khoảng 3.000 dân sinh sống. Mùa hè, mỗi ngày trên 4.000 khách đến đảo tham quan.

Vị trí đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An. Ảnh: Google Maps

Làm nhà cho cá ở dưới đáy biển Cù Lao Chàm
 
 

Nhiều loại cá trú ngụ ở rạn nhân tạo. Video: Đắc Thành

Đắc Thành