Thứ năm, 28/3/2024
Thứ tư, 1/3/2023, 13:32 (GMT+7)

Hàng loạt quán karaoke ở TP HCM đóng cửa, trả mặt bằng

Nhiều quán karaoke đã sửa chữa, cải tạo xong hệ thống phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để hoạt động, phải trả mặt bằng kinh doanh.

Đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) một thời là điểm nhộn nhịp mỗi buổi tối với hàng chục quán karaoke hoạt động. Tuy nhiên, hiện hầu hết quán ở đây đã đóng cửa hoặc trả mặt bằng vì chưa biết ngày hoạt động trở lại.

Trước đó, sau vụ cháy karaoke An Phú (Bình Dương) khiến 32 người thiệt mạng hồi tháng 9/2022, nhiều cơ sở kinh doanh loại hình này đã bị yêu cầu tạm ngừng kinh doanh để khắc phục các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Tại một quán karaoke ở số 768 Sư Vạn Hạnh, bên trong đang được đơn vị thi công tháo dỡ để trả mặt bằng. Đại diện toà nhà cho biết, quán đóng cửa nửa năm nay và không tiếp tục thuê nữa. Không gian mặt bằng với diện tích sử dụng khoảng 400 m2, giá cho thuê 150 triệu đồng một tháng. Sau khi tháo dỡ và cải tạo xong, chủ tòa nhà sẽ cho đơn vị khác thuê.

Việc tháo dỡ diễn ra hơn chục ngày nay, các đồ dùng còn sử dụng đã được quán karaoke mang đi. Nhiều bàn ghế, la phông, đồ nhựa trang trí bị bỏ lại, chất đống trong quán.

Gần chục công nhân tất bật đập tường, dỡ trần, dọn dẹp để cải tạo lại không gian mặt bằng, dự kiến xong trong một tuần nữa.

Cách đó 300 m, một quán khác trên đường Sư Vạn Hạnh cũng ngưng hoạt động, bảng hiệu được tháo dỡ từ vài tháng trước. Nhiều quán trên đường này dù chưa trả mặt bằng nhưng vẫn phải đóng cửa, chờ cải tạo xong các vấn đề về PCCC.

Quán karaoke FYou trên đường 3/2 (quận 10) đã làm thêm cửa sổ, tháo dỡ hết bảng hiệu dễ gây cháy. Đại diện quán cho biết, quán có 4 chi nhánh hiện đóng cửa một nửa, còn lại chuyển mô hình để hoạt động cầm chừng.

Do đóng cửa lâu, các phòng hát thành nơi để tạm đồ đạc. Mỗi tháng tại chi nhánh này chủ quán phải trả 300 triệu đồng tiền thuê mặt bằng.

Theo đại diện quán, để cải tạo PCCC, các chi nhánh đã dỡ toàn bộ đồ trang trí dễ cháy nổ, bố trí lối thoát nạn, trang bị mặt nạ phòng độc nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu.

Trên đường Trần Não (TP Thủ Đức) một trong 17 chi nhánh của hệ thống karaoke Icool tại TP HCM đóng cửa nửa năm nay. Chị Đinh Hoàng Thùy Dương, đại diện chuỗi cho biết, toàn bộ hệ thống karaoke đang tạm ngưng hoạt động, mỗi tháng tốn hàng chục tỷ đồng để bảo trì trang thiết bị và trang trải chi phí thuê mặt bằng cho các chi nhánh.

Bên ngoài quán trên đường Trần Não là thông báo đang sửa chữa và ngưng hoạt động do UBND Phường An Khánh dán. Quán đang có hai nhân viên bảo vệ và bảo trì đồ đạc, hệ thống máy móc phục vụ hát karaoke.

Dấu vết của cầu thang lên sân thượng được tháo dỡ vì không phù hợp tiêu chuẩn PCCC. Phòng hát cũng tháo dỡ nhiều hạng mục trang trí dễ gây cháy nổ, lắp cửa chống cháy mới, đóng kín buồng thang, cải tạo lối thoát hiểm mà theo đại diện quán là "theo tiêu chuẩn PCCC".

Hành lang các phòng được trang bị thêm dụng cụ bảo hộ, mặt nạ chống độc, búa thoát hiểm, bình chữa cháy. Đại diện Icool đã gửi biên bản yêu cầu nghiệm thu từ tháng 10 nhưng hiện vẫn chờ đợi.

Do đóng cửa lâu ngày, nhiều nơi bám bụi dày, một số trang thiết bị xuống cấp. Đại diện quán cho biết, việc ngưng hoạt động lâu ngày khiến các chi nhánh karaoke chịu lỗ nặng, hầu hết nhân viên đã phải nghỉ kiếm việc làm khác.

Theo một lãnh đạo Cục PCCC và Cứu nạn Cứu hộ (Bộ Công an), sau vụ cháy karaoke Bình Dương năm ngoái, đơn vị đã siết lại việc kiểm định phòng cháy, chữa cháy tại karaoke trên cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Hiện tại, ông cho rằng nhiều quán đã sửa chữa nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chí hoặc do kết cấu xây dựng ban đầu khó thay đổi nên chưa được xét duyệt. "Các cơ sở này bắt buộc phải tuân theo đầy đủ các yêu cầu mới được hoạt động", lãnh đạo này nói.

Quỳnh Trần - Đình Văn