Thứ ba, 23/4/2024
Thứ bảy, 18/3/2023, 12:10 (GMT+7)

Hầm chui cửa ngõ TP HCM trước một tháng thông xe

Khởi công 2017, một trong hai hầm chui trên xa lộ Hà Nội dự kiến thông xe cuối tháng 4, giúp giảm ùn tắc cửa ngõ phía đông thành phố.

Nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội thiết kế hệ thống cầu vượt dạng hoa thị với bốn vòng tròn đường kính 420 m và các nhánh đường trong khu vực có diện tích 27 ha. Đây là điểm kết nối xa lộ với quốc lộ 1A để vào trung tâm thành phố hoặc ra các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, thường xuyên đông xe.

Để giảm ùn tắc, năm 2017 hai đường hầm ở nút giao với tổng kinh phí 165 tỷ đồng, do Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đầu tư. Đây là công trình thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, dự kiến hoàn thành năm 2018, song vướng mặt bằng và đại dịch, đến nay vẫn dang dở.

Hai đường hầm thiết kế dạng hở, xây dựng trên phần đường song hành xa lộ Hà Nội, khi xong tạo thành nút giao thông 4 tầng. Công trình cũng xây mới các đường nhánh rẽ phải kết nối trực tiếp từ đường song hành, các nhánh của nút giao thông Trạm 2 và ngược lại.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó giám đốc CII, cho biết thời gian thi công dự án kéo dài do vướng mặt bằng, ảnh hưởng Covid-19 và phải phối hợp các hạng mục để đồng bộ với Metro số 1. Công trình đã đạt 80% tiến độ,

"Hiện một đường hầm theo hướng từ Đồng Nai về thành phố trong những hạng mục cuối. Sau khi nghiệm thu và tổ chức phương án giao thông xong, dự kiến sẽ thông hầm này vào cuối tháng 4", ông Nam nói.

Đường hầm theo hướng từ Đồng Nai về trung tâm thành phố có tổng chiều dài 780 m, trong đó các hầm chui dài 92 m. Nhánh này đã thông tuyến, hoàn thành hạng mục cơ bản như thoát nước, taluy, lắp rào chắn và đang tiến hành trải nhựa đường.

Hầm rộng 13,5 m cho ba làn xe chạy.

Lan can hầm cao gần một mét, tĩnh không 2,5 m. Theo chủ đầu tư, công trình dự kiến cho xe máy và ôtô chạy tối đa 50 km một giờ.

Trưa 16/3, hơn chục công nhân tất bật thi công trải nhựa hầm và đường dẫn vào các nhánh cầu vượt Trạm 2.

Một nhóm công nhân khác lắp rào chắn cao gần 2 m ở đường hầm.

Công nhân vệ sinh dọn dẹp bụi cây, rác thải trên taluy và bề mặt đường hầm. Chủ đầu tư cho biết, trong thời gian tới sẽ hoàn thành các hạng mục chiếu sáng, kẻ vạch đường, lắp biển báo... trước khi thông xe.

Đường hầm còn lại theo hướng từ TP HCM về Đồng Nai có tổng chiều dài 1.020 m, trong đó các hầm chui dài 120 m. Nhánh này chưa thông tuyến, đang tạm ngưng thi công do chưa đủ mặt bằng.

Máy móc, thùng container, vật liệu xây dựng còn tập kết ở đoạn hầm này.

Các taluy hai bên hầm chưa thi công xong, cây bụi mọc kín, lác đác rác thải.

Theo chủ đầu tư, đường hầm còn 300 m chiều dài mặt bằng với 28 hộ dân thuộc phường Tân Phú chưa giải toả. Nếu có thêm mặt bằng, nhà thầu dự kiến làm xong đoạn này trong ba tháng.

Khi hoàn thành, hai đường hầm góp phần giúp một lượng xe chạy nhanh hơn do không phải vòng lên cầu vượt, giảm xung đột giữa tại các điểm giao cắt trên xa lộ Hà Nội, hạn chế tai nạn giao thông ở nút giao cửa ngõ phía Đông TP HCM.

Trên xa lộ Hà Nội hiện có hai hầm hở ở nút giao Đại học Quốc gia TP HCM và Bến xe miền Đông mới đã thông xe. Tuyến đường này ban đầu tên là xa lộ Biên Hòa, dài 31 km, nối TP HCM với TP Biên Hòa (Đồng Nai), được xây dựng từ năm 1957 đến năm 1961. Đây là tuyến huyết mạch của thành phố đi các tỉnh miền Đông.

Vị trí hai đường hầm chui nút giao Trạm 2. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Quỳnh Trần